Tham dự cuộc họp, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ; Ban quản lý Chương trình ETEP; đại diện lãnh đạo các vụ, cục có liên quan thuộc Bộ và các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP. Phía Ngân hàng Thế giới có bà Stephanie Steffi, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Võ Kiều Dung - chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm Chương trình ETEP.
Thay mặt Đoàn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, bà Võ Kiều Dung đưa ra những nhận định hết sức tích cực về kết quả của Chương trình ETEP.
Trong đó, đối với mục tiêu phát triển của Chương trình, Ngân hàng Thế giới đánh giá ETEP hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra, đó là nâng cao năng lực cho một số trường đại học sư phạm để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, liên tục cho đội ngũ trên toàn quốc. Mục tiêu này đạt ở mức xuất sắc.
Có 2 chỉ số kết quả để đo mục tiêu. Chỉ số thứ nhất liên quan đến năng lực của các trường sư phạm tham gia ETEP được đo bằng bộ chỉ số TEIDI. Với mục này, cả 6 trường đại học sư phạm được phát triển năng lực và đánh giá đều đạt điểm theo đúng cam kết thỏa thuận thực hiện nhiệm vụ và đạt được ở mức 5 (trên 4,43 điểm). Đây là thành công rất lớn của các trường sư phạm.
Chỉ số thứ 2 là đo sự hài lòng của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cả nước với chương trình bồi dưỡng. Chỉ số này không những đạt mà còn vượt gần 200% so với mục tiêu đặt ra sau điều chỉnh. “Ngân hàng Thế giới đánh giá đây là một thành công rất xuất sắc” - bà Võ Kiều Dung cho biết.
Do đạt được 2 chỉ số kết quả như trên, Chương trình ETEP được đánh giá mục tiêu đã hoàn thành.
Về các chỉ tiêu kết quả trung gian của Chương trình, bà Võ Kiều Dung cho biết: Kết quả số trường đại học sư phạm ký kết Thoả thuận thực hiện Chương trình với Bộ GD&ĐT - đã hoàn thành. Số báo cáo hằng năm chiết xuất từ hệ thống TEMIS do các sở GD&ĐT cung cấp về nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên - đã hoàn thành. Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán được bồi dưỡng bởi các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục: Hiện số lượng đã hoàn thành nhưng được kiểm đếm đạt khoảng 80%. Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng hệ thống LMS để hoàn thành 5 mô-đun bắt buộc: vượt so với mục tiêu đề ra - đạt khoảng 80%.
Bên cạnh các kết quả được đánh giá theo những hệ chỉ số, bà Võ Kiều Dung cũng cho biết, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình ETEP trung ương, các địa phương, các trường đại học sư phạm đánh giá các tác động trên cơ sở triển khai phỏng vấn, lấy thông tin khảo sát.
Kết quả cho thấy, Chương trình ETEP đã có những tác động hết sức tích cực đến các chủ thể, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục; cũng như tác động tích cực đến hệ thống bồi dưỡng thường xuyên.
Nhận định Dự án đến thời điểm này đã đạt được kết quả tốt đẹp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, các chỉ số đạt được chính là con số biết nói, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các bên tham gia.
Thể hiện tin tưởng vào tính bền vững, lan tỏa của Chương trình ETEP, theo Thứ trưởng, sức sống của Chương trình chính là tính mục đích; mà mục đích này là bền vững, vì phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên là việc làm thường xuyên, liên tục, không bao giờ dừng.
“Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lực lượng quyết định thành công chính là đội ngũ giáo viên. Nếu đội ngũ không được tập huấn, bồi dưỡng kỹ càng, giáo viên không hiểu được đổi mới, thì bài toán là vô cùng khó khăn. Đến giờ phút này, chúng ta đã đạt được mục tiêu “kép”, đó là: Thông qua các trường đại học sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ; và từ nâng cao chất lượng đội ngũ để thực hiện thành công đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.” - Thứ trưởng đánh giá.
Một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới để việc đóng hoàn toàn dự án được tốt đẹp và duy trì, lan tỏa, phát triển tính bền vững của Dự án cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh tại cuộc họp.
Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) có mục tiêu: Phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Chương trình tác động đến tất cả các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục trong toàn quốc, nhưng tập trung chủ yếu vào các trường/khoa đại học sư phạm/Học viện Quản lý Giáo dục được lựa chọn tham gia Chương trình.