Những chuyển động tích cực khi tham gia Chương trình ETEP

GD&TĐ - Tham gia Chương trình ETEP, các trường sư phạm đã có nhiều chuyển động tích cực; trên hết là nhận thức của cán bộ, giảng viên đã có nhiều thay đổi.

Một lớp tập huấn, bồi dưỡng do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức. Ảnh: TG.
Một lớp tập huấn, bồi dưỡng do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức. Ảnh: TG.

Thay đổi nhận thức và hành động

Là giảng viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng giáo viên cốt cán theo chương trình ETEP, TS Quách Nguyễn Bảo Nguyên - Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) – nhìn nhận, thông qua hoạt động bồi dưỡng đã học hỏi và lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích; đặc biệt là những tình huống sư phạm thực tiễn từ chính những học viên của mình.

Khác hẳn với trước đây, để có được thực tế, giảng viên sư phạm phải liên hệ với trường phổ thông, có thể tham gia dự giờ của giáo viên để quan sát. Nay có hàng nghìn học viên là cán bộ quản lý cốt cán đã và đang trực tiếp tham gia trao đổi, chia sẻ về những câu chuyện, những tình huống thực tiễn về trường của họ. Mỗi người có những câu chuyện khác nhau về trường của mình, không ai giống ai đã tạo thành một kho tư liệu quý.  

“Với chúng tôi, đó là những bài học vô giá, giúp chúng tôi có thêm chất liệu thực tế để bổ sung vào tài liệu, giáo trình bài giảng của mình; từ đó tiếp tục hành trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, đồng thời hun đúc tình yêu nghề cho các em sinh viên” – TS Quách Nguyễn Bảo Nguyên bộc bạch, đồng thời khẳng định:

Thông qua Chương trình ETEP, với những buổi tập huấn, bồi dưỡng; chúng tôi ngày càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của một giảng viên trường sư phạm; cùng quyết tâm thực hiện tốt nhất công tác bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Nhân – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), một trong những thay đổi lớn, tích cực khi tham gia chương trình ETEP là, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã thay đổi cả về nhận thức và hành động; quan trọng là mọi người đã hiểu sâu sắc hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo của Nhà nước.

Tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng, giảng viên không chỉ “cho đi” những thông tin hữu ích mà còn được “nhận lại” vô số bài học quý giá cho nghề nghiệp, trao - nhận cơ hội để hợp tác và giao lưu học thuật; từ đó, xây dựng môi trường sư phạm tích cực, thống nhất được các quan điểm phát triển giáo dục trong bối cảnh mới.

Do ảnh hưởng của Covid-19, năm 2021 các khoá tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo. Ảnh minh hoạ:TG.

Do ảnh hưởng của Covid-19, năm 2021 các khoá tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo. Ảnh minh hoạ:TG.

Chuyển động cả “nội dung và hình thức”

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, tham gia Chương trình ETEP, diện mạo của trường đã được thay đổi nhiều, nhất là về vấn đề công nghệ số. Ngoài, ra năng lực đội ngũ giảng viên được nâng lên, đặc biệt là sự gắn kết giữa nhà trường với các sở GD&ĐT. “Đơn cử như, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã tổ chức các chương trình đồng hành cùng giáo dục trực tuyến và đã tạo được hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội” - PGS.TS Nguyễn Thành Nhân viện dẫn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) – nhấn mạnh: tham tham gia Chương trình ETEP, cán bộ, giảng viên đã có bước tiến vượt bậc. Trước mắt, nhà trường đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao như đã cam kết.

Ngoài ra, thông qua chương trình, giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông đã tạo ra một cộng đồng học tập hiệu quả. Giáo viên sẽ được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mới do các giảng viên sư phạm chuyển giao.

Ngược lại, giảng viên sư phạm cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở các trường phổ thông phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu của mình. Quan trọng là, mỗi cá nhân đã nhận thức rõ nét về trách nhiệm nghề nghiệp và vận hành các hoạt động đổi mới giáo dục một cách chuyên nghiệp, với những chiến lược sư phạm rõ nét hơn.

Là đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện; PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục – khẳng định, đội ngũ báo cáo viên và giảng viên là yếu tố quyết định chất lượng khóa tập huấn bồi dưỡng.

Với phương châm “thực học, thực hành”nên trong các lớp luôn tạo được môi trường dạy học tương tác, không khí cởi mở giữa báo cáo viên, giảng viên và học viên. Ngoài ra, các đợt tập huấn, bồi dưỡng luôn nhận được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý Chương trình ETEP Bộ GD&ĐT, Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT.

Với sự góp ý của các thành viên giám sát, Ban tổ chức tập huấn của Học viện luôn tiếp thu và cải tiến, hoàn thiện cách thức tổ chức và giảng dạy, đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Viettel; sự đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giảng viên chủ chốt…

 “Tập huấn các mô-đun là trải nghiệm giúp giảng viên bồi đắp thêm vốn kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục phổ thông; chẳng hạn như: cách chuyển hoá yêu cầu cần đạt thành những hoạt động cụ thể hoặc cách mềm hoá các nguyên tắc sư phạm bằng nhiệm vụ học tập hấp dẫn và cách vận dụng kĩ thuật dạy học tích cực” - TS Quách Nguyễn Bảo Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ