Ngăn chặn và phòng tránh bệnh Ebola thế nào?

GD&TĐ - Dịch bệnh Ebola diễn biến phức tạp và đang gia tăng tại Congo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh Ebola ở tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. 

Bệnh Ebola cực kỳ nguy hiểm (ảnh IT).
Bệnh Ebola cực kỳ nguy hiểm (ảnh IT).

Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường chủ động phòng chống bệnh do virus Ebola, nhằm ngăn chặn bệnh xâm nhập vào nước ta.

Khả năng gây bệnh của virus Ebola

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ebola là căn bệnh do virus với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị chảy máu cả bên trong và bên ngoài.

Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh trong đó có tinh tinh, dơi ăn quả và linh dương rừng. Tiếp đó, nó sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm.

Khi ở trong máu, virus sẽ nhắm tới hợp chất interferon, đây là nhóm protein tự nhiên thuộc hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn... Interferon có tác dụng cảnh báo với hệ thống miễn dịch về sự hiện diện của tác nhân xâm hại qua một đường tiếp cận khẩn cấp.

Tuy nhiên, virus Ebola sẽ vô hiệu hóa interferon bằng cách gắn một protein có kích thước không hoàn hảo đến bộ phận truyền thông tin, làm sai lệch việc cảnh báo đến tế bào.

Trong khi hệ miễn dịch không nhận ra điều này, virus sẽ dễ dàng tiếp cận và phá hủy các phần còn lại của cơ thể. Lúc này, virus Ebola sẽ nhân rộng với tốc độ nhanh chóng và rất khó để ngăn chặn chúng.

Virus bắt đầu lây nhiễm cho các cơ quan trong cơ thể, giết chết tế bào bên trong và khiến chúng như nổ tung. Tất cả các thành phần của virus sẽ đi vào máu. Hệ miễn dịch lúc này mới nhận thấy và bắt đầu phản ứng nhưng đã quá muộn.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh

Theo WHO, dịch bệnh do virus Ebola tại Congo diễn biến phức tạp. Từ tháng 4/2018 đến nay đã ghi nhận 2.522 trường hợp mắc trong đó có 1.698 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngày 11/6 đã ghi nhận 1 người Uganda bị nhiễm Ebola sau khi trở về từ Công Gô.

Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam qua hành khách về từ vùng có dịch là hoàn toàn có thể.

Để chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố:

Giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày cần thực hiện cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm xác định.

Tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho khách du lịch, người dân tại các khu vực cửa khẩu về các biện pháp phòng chống bệnh do virus Ebola.

Tăng cường phòng chống nhiễm khuẩn và ngăn ngừa lây nhiễm chéo tại bệnh viện khi thực hiện tiếp nhận, khám, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, chú ý khai thác tiền sử các bệnh nhân trở về từ khu vực đang có dịch để phát hiện sớm, cách lý và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ