Ngăn chặn 'tín dụng đen' đeo bám công nhân

GD&TĐ - Cuộc sống xa quê với nhiều khoản chi tiêu khiến công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp hầu như không có tiền tích lũy để dự phòng.

Công nhân khổ đủ đường khi vướng phải “tín dụng đen”.
Công nhân khổ đủ đường khi vướng phải “tín dụng đen”.

Vì vậy, khi khó khăn về tài chính, nhiều người đã phải vay tiền với lãi nặng để trang trải cuộc sống.

Vay 1 trả 10

Chị Lê Kim H., công nhân một doanh nghiệp sản xuất giày từng lao đao vì nhỡ vay tiền lãi nặng và bị các đối tượng cho vay khủng bố suốt nhiều tháng liền. Chị H. cho biết, giữa năm 2023, công ty ít đơn hàng nên chị chỉ làm việc có 3 ngày/tuần.

Thu nhập giảm mạnh, chị H. buộc phải vay nóng số tiền 15 triệu đồng để chi trả các khoản sinh hoạt phí. Những tháng đầu chị trả nợ đều, song những tháng sau công ty bố trí việc làm ít nên chị trả lãi và gốc chậm hơn. Từ đó số tiền gốc và lãi mỗi tháng tăng dần, khiến chị không có khả năng chi trả.

“Tôi không nghĩ mình chậm trả tiền vài tháng mà số tiền gốc và lãi đã tăng lên chóng mặt. Tôi bị khủng hoảng tinh thần, mất ngủ nhiều đêm vì các đối tượng liên tục đe dọa người thân trong gia đình. Thời điểm đó, nếu công đoàn không hỗ trợ vay vốn trả nợ thì không biết bao giờ tôi mới thoát được cảnh nợ nần. Tôi mong người lao động nên tỉnh táo, cân nhắc khi vay tiền lãi nặng bên ngoài”, chị H. chia sẻ.

Tương tự, chị Hoàng Thị T. (quê ở Hà Nam, đề nghị không nêu tên) tâm sự, công nhân, lao động đang đối mặt với khó khăn trăm bề do thiếu đơn hàng, mất việc làm, lại bị “tín dụng đen” gây khốn khó. “Ví dụ như chị gái tôi đã vay bên ngoài 32 triệu đồng và đang phải è cổ trả nợ vì lãi cao, bị dọa nạt khi chậm trả”, chị T. nói.

Chia sẻ mong muốn được hỗ trợ tài chính, chị Phạm Hoài Thu (quê Hà Tĩnh), làm việc trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, một mình nuôi con ăn học, rồi tiền thuê nhà và đủ thứ chi phí phát sinh nên rất vất vả.

“Tôi chỉ mong có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn vay dài để có điều kiện buôn bán thêm, có tiền dự phòng khi ốm đau, cuộc sống gia đình ổn định. Như nhiều trường hợp túng quẫn phải vay nợ bên ngoài, lãi mẹ đẻ lãi con rồi bị các đối tượng đến đòi nợ, truy bức rất khổ”, chị Phạm Hoài Thu tâm sự.

Thời gian qua, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở phản ánh tình trạng người lao động vay tiền lãi nặng bên ngoài nhưng không có khả năng chi trả, các đối tượng cho vay đã gọi điện, tìm đến cán bộ công đoàn để đòi nợ.

Thậm chí, nhiều người bị các đối tượng cho vay đưa hình ảnh gia đình, người thân lên mạng và sử dụng những từ ngữ xúc phạm để bêu riếu nhằm thúc ép cán bộ công đoàn trả nợ cho người lao động. Hành động này khiến nhiều cán bộ công đoàn bị ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và công việc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nhiều giải pháp bảo vệ người lao động

Theo dõi các vụ án có nguyên nhân từ vay lãi “tín dụng đen”, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, nguyên nhân “tín dụng đen” hoành hành xuất phát từ thực tế nhu cầu vay dân sự rất lớn. Nhiều công nhân lao động trẻ chưa có tích luỹ, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản thế chấp nên đã tìm đến các đối tượng tín dụng đen trên mạng xã hội và trong đời sống. Các đối tượng cho vay cắt lãi suất ngay từ đầu, trong giấy tờ thỏa thuận vay mượn không ghi lãi suất. Thậm chí người vay cũng không giữ giấy tờ gì… dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.

Đi kèm cho vay nặng lãi là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích thu hồi nợ như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ... Người đi vay thường bị đe dọa, sợ hãi không dám tố cáo. Chỉ có những vụ việc gây thương tích hoặc án mạng nghiêm trọng thì mới bị phanh phui. Vì thế, các hoạt động cho vay nặng lãi đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân.

“Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng để phát hiện, triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, kể cả các đường dây cho vay nặng lãi trên không gian mạng để công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này đạt được hiệu quả như mong đợi. Đây cũng là một trong những biện pháp để ngăn chặn “tín dụng đen” bủa vây công nhân, người lao động”, luật sư Bình kiến nghị.

Bên cạnh cơ quan chức năng điều tra, truy tố nhiều đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những chỉ đạo tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong công nhân, người lao động; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính có những giải pháp hỗ trợ công nhân.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chương trình hỗ trợ gói vay ưu đãi cho công nhân, người lao động. Đây cũng là bước đầu thí điểm chương trình cho vay ưu đãi khi vừa theo dõi người vay, dòng tiền, tiến độ trả nợ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các cấp công đoàn chủ động kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ phù hợp điều kiện công nhân, người lao động, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho đối tượng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

vay vốn kinh doanhVay tiền thẻ tín dụng có được không