Ngăn chặn bắt nạt học đường từ gốc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có rất nhiều cách để chống nạn bắt nạt học đường. Trong đó, vai trò của gia đình và nhà trường, đặc biệt là đội ngũ thầy cô rất quan trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bắt nạt học đường từ đâu?

Cô Nguyễn Thị Loan - Trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Nhiều bậc cha mẹ mải lo kinh tế mà không nghĩ đến việc làm bạn với con, dẫn đến con trẻ thiếu nơi để chia sẻ những suy nghĩ, thiếu các kĩ năng ứng xử với những tình huống trong cuộc sống. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ cãi, đánh nhau trước mặt con trẻ. Một số đứa trẻ bị bố mẹ bạo hành khiến cho các em nghĩ rằng mọi chuyện có thể giải quyết được bằng “nắm đấm” hoặc doạ dẫm người khác.

Nguyên nhân thứ hai phải kể đến là xã hội. Phim ảnh không được kiểm soát chặt chẽ khiến các em xem những trò bắt nạt trên phim, mạng xã hội. Nhiều khi truyện tranh cũng có những cảnh bạo lực và dùng một số từ ngữ bạo lực. Nhiều trẻ mới biết đọc đã bắt đầu tiếp thu được những hình ảnh độc hại này. Ngoài ra, mạng xã hội có những thông tin khó kiểm soát về các chiêu trò bắt nạt.

Cô Loan cũng cho rằng, không loại trừ nguyên nhân từ nhà trường. Áp lực học hành, điểm số khiến các em ít có thời gian tham gia các hoạt động thân thiện.

Các thầy cô giáo không phải ai cũng là những nhà tâm lý để các em gửi gắm, chia sẻ những tâm sự, gỡ rối. Để giải quyết vấn đề bắt nạt học đường, theo cô Loan, cần ngăn chặn ngay từ khi mới nhen nhóm. Những xích mích nhỏ cần được giải quyết ngay tại lớp, bằng sự phối hợp với gia đình, các tư vấn của Đoàn, Đội.

Các em đã cảm thấy thoải mái sau khi được gặp gỡ tư vấn và đó là cách tốt nhất để ngăn chặn bắt nạt dẫn đến bạo lực học đường.

Nhà trường có vai trò chủ đạo trong việc phát hiện những nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có bắt nạt. Từ đó có biện pháp tâm lí để ngăn chặn không cho nó “bùng lên”.

Muốn ngăn chặn được, không thể dùng vũ lực, mệnh lệnh hành chính mà phải dùng các biện pháp tâm lí. Ví dụ như tạo sự tin cậy cho các em để sẵn sàng tâm sự, chia sẻ với thầy cô. Đối với những em thiếu tình thương của bố mẹ thì thầy cô phải coi các em như con, chỉ bảo tận tình từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống.

Đặc biệt, học sinh THCS mới lớn, có rất nhiều vấn đề nảy sinh về tâm sinh lí lứa tuổi, có nhiều em không biết xử lí ra sao.

Cũng theo cô Loan, không nên coi các em đi bắt nạt và bị bắt nạt là cá biệt, bởi lúc này các em đang mất phương hướng, mới cần chúng ta định hướng, tư vấn những hành động đúng.

“Với giáo viên được phân công tư vấn, nhà trường nên chọn đối tượng học sinh để phân công. Chẳng hạn những tư vấn về tâm lí, gỡ rối thường giao cho thầy cô dạy môn Giáo dục công dân; những tư vấn cần đến kiến thức sinh học giao cho các thầy cô dạy môn Sinh học... Dù là thầy cô nào đi chăng nữa vẫn phải lấy tình thương yêu thực sự như một người cha, người mẹ mới có thể đạt hiệu quả cao trong tư vấn tâm lí học đường”, cô Loan nêu quan điểm.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Cùng con vượt qua nỗi sợ hãi

Theo chuyên gia, cha mẹ cần giáo dục trẻ về hành vi bắt nạt. Một khi các con biết bắt nạt là gì, trẻ có thể dễ dàng xác định và tự vệ. ThS Trần Bích Phương, chuyên gia tư vấn tâm lý Trường Liên cấp IQ (Hà Nội) cho rằng, cha mẹ cần nói chuyện cởi mở thường xuyên với con cái. Càng nói nhiều với con mình về hành vi bắt nạt, trẻ sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn nếu nhìn thấy hoặc trải nghiệm nó.

Người lớn cũng cần cơ chế giám sát trẻ hàng ngày và hỏi về thời gian của các con ở trường và các hoạt động của các con trên mạng. Không chỉ hỏi về các lớp học và hoạt động của các con mà còn về cảm xúc của các con.

“Cha mẹ cần giúp con xây dựng sự tự tin. Khuyến khích con bạn ghi danh vào các câu lạc bộ hoặc tham gia các hoạt động mà các con yêu thích trong cộng đồng. Điều này cũng sẽ giúp trẻ có nhóm bạn bè có chung sở thích và không đơn độc”, ThS Phương cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, người lớn hãy là một phần của trải nghiệm trực tuyến với các con. Làm quen với các nền tảng mà con sử dụng, giải thích cho trẻ cách thế giới trực tuyến và ngoại tuyến được kết nối và cảnh báo các con về những rủi ro khác nhau mà các con sẽ gặp phải khi trực tuyến.

“Nếu bạn biết con mình đang bị bắt nạt, hoặc trải qua sự sợ hãi từ bắt nạt, hãy lắng nghe con bạn một cách cởi mở và bình tĩnh. Tập trung vào việc khiến các con cảm thấy được lắng nghe và được hỗ trợ, thay vì cố gắng tìm ra nguyên nhân của việc bắt nạt hoặc cố gắng giải quyết vấn đề. Hãy chắc chắn rằng các con biết rằng đó không phải là lỗi của các con. Hãy nói với con rằng bạn tin con, rất vui vì con đã nói với bạn. Sau đó, hãy cố gắng hết sức để tìm kiếm sự trợ giúp bằng cách nói chuyện với giáo viên hoặc nhà trường để tìm ra biện pháp chấm dứt triệt để”, bà Phương nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, việc giúp con vượt qua nỗi sợ hãi khi bị bắt nạt hoặc hậu bắt nạt, hãy cố gắng trấn an các con mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Trong thời gian đó, hãy quan sát và đồng hành cùng con để vượt qua cả những nỗi sợ, ám ảnh mà con phải chịu đựng từ trước đó. Bởi nhiều trẻ, không phải sự việc đã được giải quyết là có thể quên ngay được. Có những nỗi sợ đeo bám trẻ mãi không dứt mà chỉ cần nhìn thấy kẻ xấu là con lại hốt hoảng, lo lắng. Vì vậy, người lớn hãy khéo léo dùng ngôn ngữ của mình để giải quyết, đồng hành, làm bạn để cùng con vượt qua những sợ hãi.

“Các em cần sự quan tâm bằng những cử chỉ hàng ngày của bố mẹ. Nhiều khi chỉ cần một cái nắm tay của thầy cô, một động tác sửa lại khăn đỏ, mái tóc, các em cũng cảm nhận được sự quan tâm, tìm được nơi có thể gửi gắm niềm tin, tâm sự. Khi các em đã nói được điều mình cần thì chúng ta sẽ tìm được những cách làm phù hợp để tư vấn”, cô Loan chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ