Những hành vi bắt nạt
Theo TS tâm lý Trần Thu Hương (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN) có nhiều lý do để trẻ bị bắt nạt. Đôi khi chỉ là sự bất đồng quan điểm, nhìn “ngứa mắt” hoặc bị công kích,… Vì thế, cha mẹ cần phân biệt từng loại để có hướng giải quyết phù hợp.
Thông thường, trẻ hay bị bắt nạt thể chất. Hành vi này được định nghĩa là việc sử dụng sức mạnh để làm tổn thương thể xác của người khác. Khác với các hình thức bắt nạt bằng lời nói, tác động của bắt nạt thể chất có thể dễ dàng phát hiện hơn. Kẻ bắt nạt thường có xu hướng thể chất to lớn, mạnh mẽ và hung hăng hơn người bị bắt nạt.
Theo TS Trần Thu Hương, không chỉ hành động mang tính bạo lực mới là hành vi bắt nạt mà còn cả lời nói. Những kẻ bắt nạt bằng lời nói thường lăng mạ, chửi bới để hạ thấp, làm tổn thương và kiểm soát nạn nhân. Thông thường, kẻ bắt nạt chọn mục tiêu dựa trên tính cách, hành động. Ví dụ, những đứa trẻ ít nói, khép kín, ít bạn bè dễ trở thành đối tượng của bắt nạt.
Bắt nạt bằng lời nói rất khó phát hiện vì việc này xảy ra khi không có người lớn ở cạnh. Nhiều người cho rằng trẻ em không bị ảnh hưởng bởi những lời lăng mạ của kẻ bắt nạt. Các em rất dễ bị tác động và tổn thương về tinh thần. Đôi khi trẻ chỉ cần bị chê mặc xấu, học lực kém, khác biệt,… đã trở thành ám ảnh tâm lý nặng nề. Vì thế, những lời chê bai, chỉ trích, phân biệt của bạn bè cũng là một dạng bắt nạt.
Bên cạnh đó, bắt nạt còn có trường hợp gây hấn quan hệ. Hành vi này là một kiểu bắt nạt ngầm, cha mẹ và giáo viên thường không chú ý. Những kẻ bắt nạt có xu hướng thao túng mọi mối quan hệ xung quanh, khiến nạn nhân bị cô lập hoặc đánh mất vị trí trong xã hội. Chúng có thể tung tin đồn, nói xấu nạn nhân để khiến người đó bị tẩy chay, xa lánh. Nhìn chung, hành vi này phổ biến ở học sinh THCS trở lên.
Ngoài ra, trẻ còn có xu hướng bị bắt nạt trên mạng. Khi sử dụng mạng xã hội, điện thoại di động, trẻ đang đối mặt với nguy cơ bị người khác quấy rối, đe dọa. Ví dụ, kẻ bắt nạt qua mạng thường sử dụng những hình ảnh, tin nhắn gây tổn thương nạn nhân trong thời gian dài. Các chuyên gia lý giải kẻ bắt nạt sử dụng Internet để tấn công người khác vì chúng không dám đối diện và bắt nạt nạn nhân ngoài đời thực.
Không giống như bắt nạt trực tiếp, bắt nạt trên mạng có thể tiếp cận nạn nhân ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Nó có thể gây ra tác hại sâu sắc, vì nhanh chóng tiếp cận nhiều đối tượng và để lại dấu vết trực tuyến vĩnh viễn cho tất cả những người có liên quan.
Ảnh minh họa INT. |
Kỹ năng trong trường hợp “khẩn cấp”
UNICEF Việt Nam nhận định, bắt nạt có thể gây ra những hậu quả có hại và lâu dài cho trẻ em. Bên cạnh những ảnh hưởng về thể chất của việc bắt nạt, trẻ em có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc bao gồm trầm cảm và lo lắng. Điều này có thể dẫn đến lạm dụng chất kích thích và giảm hiệu suất học tập ở trường.
Theo cô Trần Thị Ngân (Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội), thường rất khó để ngăn chặn hành vi bắt nạt xảy ra vì nó có thể được thực hiện theo cách rất “tinh vi”. Do đó, cần nhận diện hành vi bắt nạt để bảo vệ chính mình và bạn bè. Có một số điều có thể làm để giúp học sinh giải quyết tình huống hoặc ngăn chặn hoàn toàn việc bắt nạt xảy ra.
Nói chuyện với ai đó về điều này: Nếu bạn cảm thấy mình đang bị bắt nạt thì việc cần làm là nói với ai đó. Lý tưởng nhất, đây sẽ là một người lớn mà bạn tin tưởng hoặc cảm thấy an toàn khi ở bên. Nếu bạn không muốn làm điều này, có thể tâm sự với một người bạn đáng tin tưởng. Họ có thể giúp bạn đối mặt với kẻ bắt nạt hoặc hướng bạn đến một người có thể làm như vậy mà không gây nguy hiểm cho bạn.
Ngoài ra, cần báo cáo kẻ bắt nạt của bạn với nhà trường. Điều này có vẻ như khiến nhiều bạn trẻ lo lắng, nhưng thực tế lại là cách hiệu quả nhất.
Bởi nhà trường có thể làm những việc mà cha mẹ hoặc bạn bè của bạn không làm được. Chẳng hạn như đình chỉ kẻ bắt nạt hoặc nói rõ rằng hành vi của họ là không thể chấp nhận được.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thể cung cấp cho bạn nhiều lớp bảo vệ hơn. Chẳng hạn như đảm bảo rằng giáo viên sẽ hiểu về tình hình của bạn và quan tâm đến học sinh của mình hơn.
Tránh kẻ bắt nạt bạn: Nếu bạn đang bị bắt nạt, điều tốt nhất nên làm là tránh tình huống này bằng mọi cách. Tất nhiên, điều này có thể khó nếu bạn học cùng lớp với kẻ bắt nạt mình hoặc thường xuyên gặp họ. Trong trường hợp này, hãy cố gắng đi cùng đám đông. Những kẻ bắt nạt ít có khả năng đối đầu với bạn hơn khi bạn ở trong một nhóm.
Nói lớn tiếng: Điều này có vẻ hơi lạ lùng, nhưng thực tế, những kẻ bắt nạt sẽ càng “lộng hành” nếu bạn im lặng. Khi bạn bắt đầu lên tiếng và nói chuyện cởi mở về trải nghiệm của mình, bạn có thể thấy rằng mọi người ủng hộ bạn nhiều hơn mình nghĩ. Hơn thế nữa, điều này còn giúp nâng cao nhận thức và ngăn chặn tình trạng bắt nạt xảy ra với các học sinh khác trong trường của bạn.
Theo UNICEF: Con bạn có quyền được hưởng một môi trường học an toàn, được nuôi dưỡng và tôn trọng phẩm giá của chúng. Công ước về Quyền trẻ em quy định rằng tất cả trẻ em đều có quyền được học hành và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực, thương tích hoặc xâm hại về thể chất hoặc tinh thần. Bắt nạt cũng không ngoại lệ.