Từ những vụ bắt nạt học đường: Hãy “đào tạo” sức chịu đựng cho con!

GD&TĐ - Trước những câu chuyện về bắt nạt học đường, các bậc cha mẹ thường tìm hiểu mọi cách để giúp con mình không trở thành nạn nhân tiếp theo. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo TS. Vũ Thu Hương, có 1 vấn đề hết sức đáng quan tâm, đó là rèn cho con tính chịu đựng. Đây là cách khôn ngoan giúp con ứng phó với các tình huống ở trường học.

Vì sao trẻ cần rèn tính chịu đựng?

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, không phải cứ bị bắt nạt là phải chịu đựng mà là phải giành thời gian tìm cách xử lý. Nếu như con mình không thể chịu nổi áp lực, không bình tĩnh tìm hướng giải quyết thì đôi khi hậu quả khôn lường.

Sức chịu đựng được hiểu là giới hạn của từng con người khi đối mặt một vấn đề nào đó. Nếu sức chịu đựng kém, khả năng vượt chướng ngại sẽ rất hạn chế, bất kể vấn đề nào ta cũng bỏ qua, để sang một bên vì không thể chịu được.

Chính vì sức chịu đựng kém, ta mất kiên nhẫn, mất kiểm soát và khả năng thất bại là vô cùng lớn.

TS. Vũ Thu Hương nêu ví dụ: "Trong 1 đám học sinh đang gà gật trước 1 vị giáo sư giảng bài như ru ngủ, những bạn có khả năng chịu đựng tốt sẽ lắng nghe và ít nhiều thu lượm được chút kiến thức trong biển mênh mang những gì giáo sư đang bày ra, những bạn khả năng chịu đựng kém sẽ ngủ gật, chơi game, chat chit khi trong đầu xuất hiện lời phê phán giáo sư và tự thấy mình cần nghỉ ngơi.

Hình ảnh này đủ cho ta biết ai sẽ thành công ở kì thi sắp tới rồi. Giáo sư giảng bài như ru ngủ là điều ko thay đổi được trong hoàn cảnh đó. Điều khác biệt giữa người thành công và thất bại chỉ ở sức chịu đựng của từng người."

Khi đột ngột gặp cảnh khó khăn như mất việc làm chẳng hạn, người có sức chịu đựng kém sẽ sớm thất bại và bỏ cuộc, ngồi than vãn rên rỉ oán trách cuộc đời, kẻ có sức chịu đựng tốt sẽ im lặng chịu đựng và ngẫm nghĩ, tìm cách vượt qua khó khăn.

Ai cũng biết sức chịu đựng tốt sẽ là tiền đề tốt cho thành công trong tương lai nhưng chẳng mấy bố mẹ quan tâm đào tạo con điều này. Ngày xưa, nếu gặp khó khăn, các cha mẹ đều nói: cố lên con, rồi sẽ ổn thôi. Ngày nay, hễ thấy con cái gặp chút bất lợi, các bố mẹ lập tức xù lông cánh lên bênh vực bảo vệ con, mặc dù đôi khi hành động đó là vô lý và có hại cho con.

Cha mẹ góp phần quan trọng tạo giới hạn chịu đựng cho con

Theo phân tích của TS. Vũ Thu Hương: Những năm 1980 - 1990, khi ra đường, chúng ta thấy các em bé vóc dáng gày gò tự đeo cặp sách đi bộ đến trường rất nhiều.

Ngày nay, hình ảnh đó thay bằng các ông bố xách cặp hộ bọn trẻ (mà đôi khi to như nhưng con voi), ngồi sau lưng bố mẹ đến trường. Đến cổng trường, bố mẹ còn xách hộ con cặp vào tận cửa lớp giao cho cô giáo chứ con hoàn toàn không sờ vào chiếc cặp của mình. Các ông bố biện minh: bọn trẻ ngày nay, cặp đi học nặng lắm, chúng nó học nặng lắm.

Việc học hành hay sinh hoạt của con cũng vậy, với lý do: nó không biết gì, nó còn bé, mọi việc các cha mẹ đều làm hộ và để con vui chơi một cách vô bổ, thừa thãi. Khi lớn lên, con không chịu học hành tiến thân thì các cha mẹ lại bực bội đổ lỗi cho ngành giáo dục.

"Một bài tập khó cô giáo giao, chẳng mấy bố mẹ để con tự nghĩ, nó chỉ cần kêu lên 1 câu: con không hiểu, con không làm được là lập tức bố mẹ sẽ vắt óc ra suy nghĩ rồi giảng cho con và... trách móc cô giáo.

"Con đi học không hiểu, không hỏi bố mẹ thì hỏi ai" là suy nghĩ bao biện hài hước mà bố mẹ nào cũng nghĩ là đúng. Thật ra, đó là khó khăn mà con phải tự mình vượt qua chứ đâu phải là thứ mà cha mẹ cần phải xông vào giúp?", TS. Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng, không có thành công nào mà không phải vượt qua khó khăn. Tuy nhiên cách dạy dỗ như hiện nay, các bố mẹ hi vọng con thành công trong tương lai được không hay chỉ đào tạo ra những kẻ lười biếng và thích chỉ trích đổ lỗi cho người khác và cho hoàn cảnh?

Mọi phụ huynh đều cố gắng tình cảm để cô giáo để ý đến con mình. Ai cũng nghĩ cô sẽ để ý đến bạn khá giỏi nên làm đủ mọi cách để cô đánh giá con là khá giỏi. Từ đó, mọi việc trở nên rối loạn và không thực chất.

Một đứa trẻ bài tập nào cô giáo giao về nhà cũng làm được (bố mẹ làm hộ hoặc giảng cho nghe) nhưng đến lớp lại ngơ ngác trước một khái niệm cơ bản thì càng khiến cô giáo khó hiểu, không biết phải trợ giúp thế nào và đứa trẻ càng mất niềm tin vào bản thân, không có sự trợ giúp của cha mẹ thì không làm được việc gì.

Như vậy, thực ra, việc các cha mẹ làm là đang giúp con hay hại con? Có ai nghĩ đến tương lai xa hơn, khi khó khăn con phải đối mặt ngày càng lớn, con sẽ thế nào?

"Cho con ăn học, không phải làm gì, cứ con làm hỏng cái gì là dùng tiền, quan hệ để xin xỏ cho con được tha thứ, cõng con nhảy qua mọi chướng ngại vật của cuộc đời, trải thảm lông xuống đất để đỡ con để nó ngã đỡ đau đớn có phải là bạn đã thực sự yêu và sống vì con?" - Câu hỏi này, các bố mẹ tự trả lời sẽ chuẩn xác nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.