Dạy con thế nào khi bị bắt nạt học đường?

GD&TĐ - Hiện tượng bắt nạt học đường không mới song, thời gian gần đây, vấn nạn này xảy ra liên tục, với tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Cha mẹ cần nắm chắc cách xử lý hành vi bắt nạt ở trường học của con mình. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cần nắm chắc cách xử lý hành vi bắt nạt ở trường học của con mình. Ảnh minh họa.

Điều đó đặt các bậc phụ huynh đứng trước bài toán mới, dạy con điều gì để phòng, tránh bắt nạt học đường?

Nếu nhận thấy con mình có khả năng cao đang bị bạo lực thân thể, tâm lý cha mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn, chân thành với trẻ. Đồng thời, cần kiểm soát cảm xúc, khuyến khích trẻ mở lòng hơn khi tâm sự về những chuyện đã diễn ra.

Khi nào cần hành động?

Tại Hội nghị “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”, diễn ra ngày 28/4/2022, số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.

Bắt nạt học đường từ lâu đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối của ngành Giáo dục và toàn xã hội. Nó tồn tại âm ỉ, và có những thời điểm bùng phát trở thành điểm nóng khiến phụ huynh, thầy cô và nhà trường rơi vào trạng thái lo lắng, đồng thời đây cũng là nỗi trăn trở của toàn xã hội.

Đặc biệt, tình trạng bắt nạt học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Mới đây, dư luận không khỏi thương tiếc khi một nữ sinh lớp 10 tại Trường THPT Chuyên - Trường Đại học Vinh, Nghệ An tự tử nghi do bị bắt nạt học đường. Nguyên nhân chính xác của vụ việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng, nữ sinh bị bạn đánh, ngược đãi, áp đảo tâm lý, xin chuyển trường nhưng chưa được thì xảy ra sự việc đau lòng. Theo thông tin từ gia đình, nữ sinh khóa trái cửa và tự tử vào ngày 16/4.

Ngày 10/10/2022, do mâu thuẫn tình cảm, một nam sinh viên Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường bị nhóm nam sinh khác cùng trường liên tiếp dùng tay, chân và ghế đánh đập. Nam sinh bị hành hung sau đó đã ngất đi. Vụ việc sau đó được lan truyền trên mạng xã hội và khiến dư luận rất bất bình. Một ngày sau đó, dư luận tiếp tục bàng hoàng trước thông tin một nam sinh lớp 11 đâm chết bạn cùng trường lớp 12 do bị chặn đánh hội đồng sau giờ tan học.

Theo Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em, trẻ có thể đối mặt với bạo lực bằng lời nói, hành động đe dọa xâm hại thân thể, tâm lý. Do đó, đầu tiên, cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ về việc tôn trọng. Hãy giúp trẻ hiểu rằng mọi người đều xứng đáng được đối xử tốt: Biết cảm ơn, biết khen ngợi, biết tốt bụng. Đồng thời, việc tự tôn trọng và yêu quý bản thân cũng rất cần thiết, nhất là hiểu rõ điểm mạnh của mình.

Cách bảo vệ tốt nhất mà cha mẹ có thể làm là giúp trẻ tự tin hơn và tăng khả năng độc lập. Ngoài ra, trẻ cũng cần được hướng dẫn khi nào nên hành động và lên tiếng vì bản thân. Hãy nói chuyện và luyện tập cùng trẻ những cách phản ứng mang tính xây dựng và an toàn. Giúp trẻ ghi nhớ những câu trả lời cứng rắn, nhưng giọng điệu hòa hoãn khi đối mặt với kẻ bắt nạt. Ví dụ, trẻ có thể nói: Chuyện này không tốt chút nào cả; hãy để mình yên.

Trong khi đó, trường hợp nhận thấy con mình có khả năng cao đang bị bạo lực thân thể, cha mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn, chân thành với trẻ, như: Chuyện gì đã xảy ra ở trường, ai là người có mâu thuẫn, cố tình làm đau con? Cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc, khuyến khích trẻ mở lòng hơn khi tâm sự về những chuyện đã diễn ra. Đồng thời, gợi ý về một buổi trò chuyện cởi mở với giáo viên hoặc người tham vấn học đường.

Ngoài ra, phụ huynh cần ghi nhớ ngày tháng của vụ bắt nạt, những lời đáp trả, cách phản ứng của các bên liên quan và hành động đã được thực hiện. Phụ huynh không nên tự giải quyết riêng với cha mẹ của trẻ đi bắt nạt. Vì nếu con trẻ vẫn còn tiếp tục bị bạo lực học đường, cha mẹ cần sự hỗ trợ và làm việc với những cơ quan khác ngoài trường học, như văn phòng luật sư.

Cha mẹ cần dạy trẻ biết chia sẻ, cảm thông và tôn trọng bạn. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần dạy trẻ biết chia sẻ, cảm thông và tôn trọng bạn. Ảnh minh họa.

Tạo sự đồng cảm với con

Cha mẹ cũng được khuyến khích tạo thói quen trò chuyện với trẻ hằng ngày như trước khi đi ngủ, đặt những câu hỏi cơ bản về việc con đã làm gì hôm nay, học môn gì ở trường, có chuyện gì vui muốn kể không. Cha mẹ cố gắng khơi gợi những điểm tích cực trong ngày, tính cách tốt của trẻ. Nhờ đó, để trẻ biết rằng luôn có người yêu mến, quan tâm đến con.

Luôn khuyến khích trẻ phát triển tiềm năng và sở thích của bản thân trong các môn học sáng tạo, việc đọc sách, hoặc hoạt động ngoại khóa để trẻ có thêm những tình bạn khác.

Trong khi đó, những lời đồn, tin nhắn ác ý trên mạng có thể xuất phát từ kẻ giấu mặt với tần suất dày đặc, trở thành bạo lực mạng khi trẻ không hề biết. Do đó, cha mẹ hãy đặt ra quy tắc an toàn trên mạng Internet để trẻ làm theo. Cụ thể, nên hạn chế thời gian dùng Internet để giải trí của trẻ.

Cha mẹ cũng cần biết những ứng dụng/diễn đàn/nền tảng trực tuyến tiềm tàng nguy cơ bạo lực mạng. Đồng thời, khiến con hiểu rằng, cha mẹ sẽ theo dõi và quan sát các hoạt động trực tuyến. Nhờ đó, đảm bảo trẻ được an toàn khi sử dụng mạng.

Cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ không nên đáp trả, tham gia hoặc chuyển tiếp những tin nhắn ác ý nếu không may trải nghiệm bạo lực mạng. Thay vào đó, trẻ hãy nói cho cha mẹ biết chuyện gì đang xảy ra, thu thập nội dung, thông tin ngày giờ của những tin nhắn nhận được và in chúng ra. Cha mẹ sẽ giúp trẻ báo cáo với thầy cô nếu những tin nhắn ác ý kia đến từ phạm vi trường học. Với những vụ việc nghiêm trọng hơn như đe dọa tính mạng, khiêu dâm, cha mẹ có thể báo ngay với cơ quan chức năng tại địa phương.

Trong trường hợp trẻ tâm sự với cha mẹ về việc con hoặc bạn bè bị bắt nạt tại trường lớp, phụ huynh cần có hành động ghi nhận vì trẻ đã tin tưởng. Sau đó, trò chuyện với trẻ để hiểu rõ hơn về vụ việc, thu thập thông tin cần thiết. Phụ huynh hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc, không nên quá nóng nảy và giận dữ.Động viên trẻ rằng, hành động báo với người lớn mà con tin tưởng để có thể giúp đỡ ngăn chặn hành vi bạo lực học đường là đúng. Ngoài ra, nên dành cho con những lời khen ngợi đúng với những gì trẻ nên có. Như vậy, giúp trẻ tăng sự tự tin và lòng tự trọng của bản thân. Hãy tập trung vào những hành vi và đức tính tốt của trẻ.

Cha mẹ hãy cùng trẻ nghĩ ra các giải pháp khả thi, phù hợp để con có thể phản ứng khi bị bắt nạt tại trường, bằng cách tạo ra một danh sách câu trả lời như “Sao cũng được”, “Tớ thấy đủ rồi đấy” hoặc đơn giản là bỏ đi. Dạy trẻ không nên khiêu khích kẻ bắt nạt vì có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Phụ huynh cũng có thể thử diễn tập cùng trẻ với trò chơi nhập vai: Kẻ bắt nạt và con. Phương pháp này có thể tăng khả năng tự tin và tiếp sức mạnh cho trẻ. Cha mẹ đóng vai kẻ bắt nạt có thể gợi ý trẻ những cách ứng xử khác nhau cho đến khi con đủ tự tin để tự đối mặt với rắc rối. Khuyến khích trẻ dùng giọng điệu rõ ràng, cứng rắn thay vì khóc lóc.

Phụ huynh nên cho trẻ biết rằng, nếu có thể, hãy nói thẳng với kẻ bắt nạt về những gì con đang cảm thấy và cách đối xử mà con muốn. Ví dụ: “Mình cảm thấy không vui chút nào khi các bạn gọi mình bằng tên gọi đó. Mình có tên họ và mình muốn các bạn hãy gọi đúng tên của mình”. Đồng thời, nhắc trẻ rằng, không phải ai cũng có ý định bắt nạt con. Hãy đối xử chân thành và tốt bụng với những người xung quanh như cách con mong muốn được đối xử.

Con có thể đứng lên bảo vệ bạn nếu bạn bị bắt nạt. Do đó, con cũng có quyền được các bạn bảo vệ. Nếu kẻ bắt nạt muốn lấy bài tập của con bằng cách đe dọa, hãy cứ đưa cho bạn ấy và con có thể nói chuyện với giáo viên về vấn đề này.

Khi áp lực tâm lý quá lớn, trẻ sẽ khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi. Ảnh minh họa.

Khi áp lực tâm lý quá lớn, trẻ sẽ khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi. Ảnh minh họa.

Người tự chủ xử lý

Theo TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với những đứa trẻ được cha mẹ hỗ trợ quá nhiều, bản lĩnh của con sẽ kém. Vì thế, khi xảy ra những vụ việc khó xử lý, các con sẽ cảm thấy bất lực, mệt mỏi, khó chịu.

“Chúng ta rất cảm thông và thương các con, nhưng bố mẹ rất cần dũng cảm để các con tự xử lý. Các con cần tự xử lý tất cả những vấn đề dù nhỏ thì sẽ mạnh mẽ hơn. Các vấn đề kể cả việc nhà, trách nhiệm cá nhân đến khó khăn như bài tập khó, kỳ thi… Mỗi lần vượt qua được, bản lĩnh của con sẽ được nâng cao. Đến khi gặp các khó khăn như bị bắt nạt hay cô lập, con sẽ vượt qua dễ dàng hơn”, TS Vũ Thu Hương cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, trẻ sẽ đối diện với cảm giác bất an, sợ sệt vì không chắc ngày hôm nay đi học, con có gặp bất trắc gì không. Với những bạn yếu đuối, cảm giác này đeo bám có thể khiến các con bị trầm cảm. Khi áp lực tâm lý quá lớn, các con sẽ khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi. Vì thế, hoàn toàn có thể xảy ra các câu chuyện đau lòng.

Chính vì vậy, theo TS Vũ Thu Hương, cha mẹ cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho con. Như vậy, trẻ có thể trút hết tâm tư, suy nghĩ, bực bội. Tuy nhiên, trẻ phải là người tự chủ xử lý. Bố mẹ động viên con tự tìm phương án và tự mình xử lý.

“Bố mẹ không được tự tay xử lý hộ con mà để trẻ tự làm. Bởi vì khi bố mẹ ra tay, bạn bè sẽ thấy con đang dựa vào phụ huynh. Đằng sau lưng bố mẹ, các bạn sẽ nghĩ ra cách để bắt nạt con nhiều hơn. Vì thế, các vụ việc rất khó được giải quyết. Tuy nhiên, nếu chỉ cần một lần con ra tay, bạn sẽ cảm thấy ngại và nghĩ con có năng lực tự vệ ổn. Khi đó, bạn sẽ tránh xa và không dám gây sự với con nữa”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Trước khi chúng ta lo xử lý, ứng phó với bạo lực học đường, theo chuyên gia này, cha mẹ cần giáo dục con cách sống hòa đồng với bạn bè. Con cần biết chia sẻ, cảm thông và tôn trọng bạn. Nếu con có tính cách gì xấu, khó ưa, chúng ta cần xử lý để cộng đồng chấp nhận và yêu thương con. Con có nhiều bạn bè thì cũng ít nguy cơ bị bắt nạt hơn là khi con sống cô độc, ít bạn, ít giao tiếp.

Đối với nhà trường, TS Vũ Thu Hương cho rằng, bên cạnh các chuyên đề bàn luận về bắt nạt học đường, bạo lực học đường, nhà trường cần tạo thêm nhiều hoạt động để học sinh đỡ nhàm chán, sinh ra các tâm trạng và hành vi xấu.

“Cuộc sống nhàn hạ và nhàm chán càng dễ nảy sinh các hành vi xấu, tật xấu. Thêm nữa, dù xử lý xong một vụ nghiêm túc mà cuộc sống vẫn nhàm chán, các bạn sẽ vẫn có thể tiếp tục bắt nạt bạn khác. Vì thế, cha mẹ và thầy cô cần phải làm phong phú hơn, nhiều hoạt động và mối quan tâm hơn cho các con”, TS Vũ Thu Hương cho biết.

Bắt nạt học đường là khái niệm có nội hàm hẹp hơn khái niệm bạo lực học đường, và hai khái niệm này đều được dung chứa trong khái niệm “bạo lực”. 3 điều kiện của bắt nạt học đường là: Tính có chủ đích gây hại; Việc lặp đi lặp lại các hành động trong thời gian dài; Sự bất bình đẳng giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân. Mối quan hệ giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân là mối quan hệ không cân xứng, kẻ bắt nạt là người có sức mạnh và áp đặt sự thống trị lên nạn nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.