Ngẫm "3 chung" nghĩ tới "xét tuyển"

Ngẫm "3 chung" nghĩ tới "xét tuyển"

(GD&TĐ) - Không chỉ những ngày này, khi dư luận bàn tán nhiều về các phương án “điểm sàn” rồi mới đây là “phương án xét tuyển của 4 trường ngoài công lập” mà người ta nhắc tới “3 chung”. Còn nhớ trong các hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ vài năm trở lại đây, đã có nhiều ý kiến đòi quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng vẫn chỉ là ý kiến chứ không có phương án khả thi nào được trình lên, cho dù Bộ GD&ĐT rất mong muốn điều đó. Cuối cùng dù muốn hay không tại các hội nghị tuyển sinh, người ta cũng phải chấp nhận “3 chung” là cách thức tuyển sinh hiệu quả nhất.

Cũng nên thấy rằng, ngành GD và xã hội đã tốn không ít thời gian, công sức để tổ chức được một kỳ thi chung hiệu quả, mang tính thống nhất cao, cho các nhà trường trên toàn quốc. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản để các trường, dù là những “ông lớn” trong làng đại học khi được giao thí điểm để “rời bỏ 3 chung” nhưng không “ông nào” mạnh dạn đưa ra phương án thực hiện. Dư luận xã hội từng ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm nên bỏ “3 chung”, nhưng cũng chỉ là ý kiến vì hơn ai hết, những người trong cuộc hiểu rằng, trong hoàn cảnh hiện tại của giáo dục Việt Nam, để đảm bảo chất lượng đào tạo thì một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nghiêm túc là cần thiết. 

Trở lại với Phương án xét tuyển của 4 trường ngoài công lập, sau khi thông tin này được đăng tải trên các cơ quan ngôn luận, nhiều ý kiến phản hồi được đưa ra. Có quan điểm đồng ý với phương án của các trường này, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Và trong số ít những ý kiến đồng tình thì quan điểm giám sát để đảm bảo chất lượng đào tạo chiếm ưu thế, khi cho rằng tiêu chí xét tuyển chỉ dựa trên yêu cầu điểm trung bình chung các môn lớp 12 bằng hoặc lớn hơn 6.0 và điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp phổ thông tương ứng với khối thi là bằng hoặc lớn hơn 5.0… Điều dễ hiểu rằng bản chất của 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ là hoàn toàn khác nhau, chính vì thế không thể đảm bảo được chất lượng đào tạo nếu chỉ dựa vào kết quả học phổ thông. Cần phải có thêm những chế tài ràng buộc trách nhiệm vì nếu cho phép thực hiện xét tuyển vào ĐH mà chỉ dựa vào kết quả học tập phổ thông thì chất lượng đầu ra không thể đảm bảo, xã hội và người học sẽ gánh chịu hậu quả. 

Khó khăn của các trường ngoài công lập thời gian qua có lẽ ai cũng thấy. Tuy nhiên, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các trường này bằng cách để các trường có người học, trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chưa có thì xã hội khó có thể chấp nhận. Cũng có ý kiến cho rằng, kể cả các phương án xét tuyển những trường này đưa ra được chấp nhận thì chưa chắc các trường này đã tuyển sinh được vì thực tế đào tạo đại học hiện nay đang trong xu thế cạnh tranh gay gắt cả ở trường công lẫn trường tư. Ngay trong các trường ngoài công lập hiện nay nhiều trường có uy tín lâu năm, đang tuyển sinh cũng chỉ ở ngưỡng điểm sàn. Trong khi đó, người học đã hiểu biết hơn rất nhiều, họ đã biết chọn cho mình học ở những trường có uy tín. 

Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ là chủ trương, quan điểm nhất quán của Bộ GD&ĐT, điều này nằm trong lộ trình triển khai thực hiện. Nhằm tìm một phương thức thi tuyển ĐH, CĐ hợp lý, các trường hoàn toàn có quyền được chủ động xét tuyển theo quy định của Luật Giáo dục Đại học. Tuy nhiên, trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, những đề xuất cũng nên tính đến hướng đi phù hợp với điều kiện của giáo dục nước nhà, không rủi ro, đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo công bằng cho người học và quan trọng hơn cả là phải được xã hội chấp nhận. 

Dư Khương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ