Nga yêu cầu Berlin giải thích ngay về đoạn ghi âm bị rò rỉ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Berlin “giải thích ngay lập tức" về đoạn ghi âm liên quan đến khả năng tấn công cầu Crimea.

Cầu Crimea.
Cầu Crimea.

Tổng biên tập Margarita Simonyan của RT và Rossiya Segodnya, tập đoàn truyền thông mẹ của Sputnik đã công bố một đoạn ghi âm.

Trong đoạn ghi âm trên, các tướng Đức đang thảo luận về một cuộc tấn công tiềm tàng vào cầu Crimea bằng tên lửa Taurus.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng những nỗ lực của chính quyền Đức "lẩn tránh câu hỏi sẽ bị coi là thừa nhận tội lỗi".

Các sĩ quan cấp cao của Đức đã thảo luận về việc tiến hành các cuộc tấn công vào "cơ sở hạ tầng dân sự của Nga với sự đồng ý chính thức ngầm của Berlin hoặc sau lưng họ".

“Cả 2 khả năng trên đều đáng quan ngại"- chuyên gia quân sự Robinson Farinazzo, cựu sĩ quan Hải quân Brazil, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.

Ông Farinazzo nói: “Các nhà chức trách hoặc biết mọi thứ hoặc họ không biết gì, điều đó có nghĩa đó là âm mưu của quân đội. Đây là điều cần phải bị trừng phạt tương ứng”.

Ông nhấn mạnh nếu Berlin biết, điều đó có thể được ví như một lời tuyên chiến. Ông cũng kêu gọi Moscow và Berlin sử dụng các kênh ngoại giao để xoa dịu căng thẳng về vấn đề này.

Theo chuyên gia trên thật khó để tưởng tượng Moscow có thể thực hiện những biện pháp nào nếu coi hành động của các sĩ quan Đức là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.

Cựu sĩ quan hải quân Brazil nhấn mạnh việc chính quyền Đức giữ im lặng về vấn đề này.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây bất đồng về viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev, gồm khả năng cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus và gửi các đơn vị quân đội NATO tới nước này.

Theo hướng này, Farinazzo cho biết ông tin rằng những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc Quốc hội Mỹ có đồng ý cung cấp thêm nguồn cho Ukraine hay không.

Theo chuyên gia, ngay cả khi Quốc hội bật đèn xanh, điều này sẽ chỉ góp phần kéo dài xung đột và sẽ không thể thay đổi tình hình trên chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine.

Trong khi đó, chuyên gia quan hệ quốc tế Tito Livio Barcellos Pereira từ Đại học Công giáo Giáo hoàng Sao Paulo đã lên tiếng về cuộc trò chuyện bị rò rỉ.

Ông cho rằng nó lại làm dấy lên nghi ngờ về tính xác thực của những tuyên bố trước đây của các nước phương Tây rằng các nước NATO không liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

Ông lưu ý "trong tình huống này, các nhà lãnh đạo của các quốc gia phương Tây có thể sẽ phải giải trình trước các nhà lập pháp và toàn thể xã hội nước họ, cũng như trước các thành viên NATO khác, những nước có lập trường kiềm chế hơn".

Theo quan điểm của ông Pereira, tình hình có thể dẫn đến căng thẳng leo thang hơn nữa giữa Nga và NATO. Đặc biệt là khi liên minh này “không muốn nghe những lập luận của Moscow, vốn đã nhiều lần cảnh báo việc cơ sở hạ tầng của liên minh tiến gần hơn đến biên giới Nga".

Ông Pereira kết luận, cuộc trò chuyện được ghi âm của quân đội Đức một lần nữa xác nhận rằng liên minh này tiếp tục tham gia vào cuộc chiến (ủy quyền) với Nga.

Ông cũng chỉ trích Kiev và phương Tây vì đã cố tình phá hoại tất cả các sáng kiến hòa bình được đưa ra.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ