Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia người Anh Adriel Kasonta đã đánh giá về vị thế của Nga trong thế kìm kẹp mạnh mẽ của phương Tây.
Ông Adriel Kasonta là cựu Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế tại Tổ chức nghiên cứu Bow Group theo đường lối bảo thủ lâu đời ở Anh.
Ông đề cập đến Thông điệp Liên bang mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu và cho rằng, phương Tây quả thật đã dùng nhiều chiêu trò để đưa Nga rơi vào cái bẫy thời Chiến tranh Lạnh.
Thừa nhận rằng hiệu quả của các lệnh trừng phạt không như mong đợi của phương Tây, Mỹ và các đồng minh hiện đang tập trung tài trợ cho các tổ hợp công nghiệp-quân sự tương ứng của họ.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin đã chỉ trích phương Tây vì đã cố gắng lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhấn mạnh rằng những thủ đoạn tương tự đã được sử dụng để chống lại Liên Xô vào những năm 1980 nhằm trở thành cú hích khiến Liên Xô sụp đổ.
Theo Kasonta, rõ ràng là Nga sẽ không rơi vào bẫy này nữa: nước này đã áp dụng cách tiếp cận cân bằng để phát triển lĩnh vực quốc phòng cũng như các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt rất nhiều lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhắm vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia. Nga đã bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT và các quỹ có chủ quyền của nước này bị đóng băng ở phương Tây.
Tuy nhiên, kể từ đó, Nga đã chứng tỏ sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý và củng cố mối quan hệ với các nước châu Á và châu Phi, thế giới Ả Rập và châu Mỹ Latinh.
Ông Kasonta lưu ý: “Tôi nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ giúp Nga tạo ra ranh giới phân biệt rõ ràng giữa những gì được thể hiện bởi một phương Tây đang suy thoái và đâu là tương lai”.
"Tôi cho rằng phương Tây không hiểu rằng các lệnh trừng phạt chỉ là trò cười cho phần còn lại của thế giới. Như chúng ta biết, phần còn lại của thế giới rất muốn kinh doanh và có các tương tác ngoại giao với Nga" - ông Kasonta nhận định.
Chuyên gia Kasonta nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng cần nhớ là các nền kinh tế mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển này có tiềm năng tăng trưởng sâu sắc. Các quốc gia G7 đang suy giảm. Tốc độ tăng trưởng dân số của họ đang giảm.
Nền kinh tế của họ rất yếu vì thực tế là họ đã tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm với Nga và họ cũng đang trợ cấp cho cuộc chiến ở Ukraine... Vì vậy, theo tôi, phương Tây đã tiêu rồi”.
Có cùng quan điểm này, Paolo Raffone, nhà phân tích chiến lược và Giám đốc Quỹ CIPI ở Brussels (Bỉ) cho rằng, những mánh khóe thời Chiến tranh Lạnh cũ của phương Tây không còn hiệu quả nữa.
"Kế hoạch Chiến tranh Lạnh cũ [của phương Tây - ND], đã thất bại kể từ khi giới tinh hoa Nga chọn ông Putin vào cuối những năm 1990... Sự hiểu lầm của phương Tây về sức mạnh mới của Nga dưới sự lãnh đạo của Putin thật kinh ngạc.
Ngày nay, những nỗ lực của phương Tây nhằm khởi động giai đoạn thứ hai của Chiến tranh Lạnh (với Nga và Trung Quốc) là thiển cận. Sự chuyển đổi toàn cầu từ phương Tây sang phần còn lại đang diễn ra, đúng như những gì ông Putin đã đề cập" - ông Raffone bình luận.
Theo chuyên gia, mấu chốt của vấn đề là phương Tây không thể duy trì sự độc quyền về hậu cần, thương mại hoặc công nghệ toàn cầu.
"Sự yếu kém của phương Tây được thể hiện qua sự thất bại trong hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với Nga (cũng như đối với Iran, Trung Quốc và các thực thể khác).
Cơ sở hạ tầng giao thông toàn cầu, hệ thống thương mại và tài chính đang phát triển, thay thế cho sự thống trị của phương Tây trong những lĩnh vực đó” - chuyên gia Raffone chỉ ra.