Không nên học ngoại ngữ chỉ để cộng điểm ưu tiên

GD&TĐ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chia sẻ việc dừng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 đối với HS có chứng chỉ quốc tế, HS giỏi cấp tỉnh.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 của thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa: ITN
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 của thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa: ITN

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ xung quanh việc Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế, học sinh giỏi cấp tỉnh.

Dừng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh có chứng chỉ quốc tế

- Vì sao Bộ GD&ĐT lại có quyết định dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế?

- Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Quy chế không có quy định này và Bộ GD&ĐT cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Do đó, dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế là yêu cầu phải thực hiện, đúng theo quy định của Quy chế đã được ban hành.

Vừa rồi, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung nội dung ngoài quy định của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, Bộ yêu cầu các địa phương đó điều chỉnh để thực hiện đúng theo Quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.

- Căn cứ vào đâu để Bộ GD&ĐT quy định 4 nhóm đối tượng thuộc diện tuyển thẳng trong Quy chế tuyển sinh hiện nay?

- Một trong những căn cứ quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra để xây dựng Thông tư, cũng như xin ý kiến ban hành Thông tư theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là làm sao bảo đảm công bằng nhất với học sinh. Vì vậy, được tuyển thẳng đều là những đối tượng cần có sự ưu tiên để tạo điều kiện cho các em có thể tiếp tục học tập ở cấp phổ thông.

Ngoài ra, một phần ưu tiên dành cho học sinh đã tham gia các giải quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và cuộc thi khoa học kỹ thuật. Đó chính là những căn cứ để Bộ GD&ĐT xây dựng Quy chế tuyển sinh và thực hiện từ năm 2014 đến nay.

Điều này có nghĩa, những thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không được hưởng ưu tiên nào khi xét tuyển vào lớp 10 theo Quy chế.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: TG

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: TG

Không nên chạy đua trang bị chứng chỉ để được cộng điểm ưu tiên

- Ông đánh giá thế nào về việc một số địa phương dành những ưu tiên nhất định đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và cuộc đua lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện nay?

- Trước đây, Thông tư số 11/2014/TT-BGD&ĐT ngày 18/4/2014 ban hành Quy chế tuyển sinh THCS, THPT có điều khoản quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Sở GD&ĐT được giao lập kế hoạch tuyển sinh, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bao gồm các nội dung chính: Địa bàn, phương thức, đối tượng, chế độ ưu tiên và khuyến khích, tổ chức công tác tuyển sinh THPT. Quy định này mong muốn tạo điều kiện, khuyến khích học sinh học tập.

Tuy nhiên, khi thực hiện, Bộ GD&ĐT nhận thấy, việc khuyến khích phải tính đến sự công bằng trong giáo dục. Thực tế, cùng một địa phương, những địa bàn học sinh được tiếp cận học ngoại ngữ, gia đình có điều kiện học tập, đặc biệt là học tập để lấy chứng chỉ quốc tế với chi phí cao sẽ thuận lợi hơn so với những nơi có điều kiện khó khăn hơn. Như vậy, về năng lực, tiềm năng, trí tuệ của học sinh có thể tốt, nhưng điều kiện thuận lợi ít hơn thì không có chứng chỉ.

Do đó, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu quy định khuyến khích đó giao cho các sở GD&ĐT quyết định có thể tạo ra sự không công bằng trong giáo dục. Chính vì vậy, năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 11; trong đó, Khoản 3, Điều 7 quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích.

Việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân của học sinh. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng đó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc; không phải học ngoại ngữ với mục đích để thi lấy chứng chỉ, được tuyển thẳng, hay ưu tiên trong tuyển sinh.

Nếu thế, việc học đó không phải nhu cầu tự thân mà do động lực bên ngoài. Các bậc cha mẹ hãy nghĩ rằng, lợi ích lâu dài trong học ngoại ngữ là trang bị cho con phương tiện, công cụ học tập, để làm việc tốt hơn; không nên chạy đua nhằm trang bị chứng chỉ để được ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh.

Thí sinh thi lớp 10 Hà Nội năm học 2023 - 2024. Ảnh: ITN

Thí sinh thi lớp 10 Hà Nội năm học 2023 - 2024. Ảnh: ITN

- Vậy ông có thể cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT đối với vai trò của học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục hiện nay?

- Học ngoại ngữ là chủ trương lớn của đất nước. Việc này nhằm trang bị cho học sinh năng lực ngoại ngữ để các em có một phương tiện tiếp cận nguồn tri thức trong nước và hội nhập quốc tế.

Việc khuyến khích học ngoại ngữ đã được thực hiện trong những năm qua và đến thời điểm này có thể thấy, năng lực ngoại ngữ của học sinh lứa tuổi THPT có những thay đổi rõ rệt so với trước đây. Việc các em có thể đọc trên mạng, vào website quốc tế tìm kiếm tài liệu để học đã tốt hơn so với trước đây rất nhiều. Đó mới chính là việc mà chúng ta cần phải đẩy mạnh. Trong chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng đẩy mạnh việc này để học sinh có được động lực tự thân trong quá trình học ngoại ngữ.

Trong quá trình học tập, ngoài nội dung môn Ngoại ngữ, còn có một số môn học được dạy bằng ngoại ngữ. Việc này cũng có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả chế độ khuyến khích nhằm quán triệt đến địa phương, nhà trường có thể triển khai tổ chức, học tập môn Ngoại ngữ theo đúng quy định một cách hiệu quả nhất. Và như thế, các em học chứng chỉ ngoại ngữ để dùng chứ không phải học ngoại ngữ chỉ là để học ngoại ngữ.

- Quyết định này của Bộ GD&ĐT có ảnh hưởng đến các thí sinh tập trung chỉ học ngoại ngữ để được cộng điểm hoặc tuyển thẳng khi sở hữu chứng chỉ quốc tế trong thời gian qua?

- Tôi cho rằng, nội dung học để thi được chứng chỉ cũng rất tốt. Đây cũng là việc khuyến khích các em học để rèn luyện các kỹ năng, bởi thi chứng chỉ có yêu cầu về nghe, nói, đọc, viết. Do đó, nếu đã đầu tư cho các em học ngoại ngữ và đạt được một năng lực nào đó là rất tốt, không có gì là lãng phí. Bên cạnh đó, nếu học sinh được đầu tư học tập như vậy thì khi thi vào lớp 10, ở địa phương nào có môn thi là môn Ngoại ngữ, bản thân các em đã sẵn sàng lợi thế.

Xin nhắc lại, đây không phải là Bộ GD&ĐT ban hành quyết định mới, mà chúng tôi có văn bản yêu cầu các địa phương làm theo đúng yêu cầu cần thực hiện trong những năm vừa qua.

- Xin cảm ơn ông!

Học để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, năng lực thực sự của bản thân và năng lực thực sự ấy mới quan trọng để sau này các em có định hướng tốt cho học lên cao, định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp. Trên thực tế, với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay, năng lực của người lao động đến đâu sẽ có cơ hội việc làm đến đấy chứ không chỉ là câu chuyện học để lấy tấm bằng.

Vì vậy, lời khuyên của tôi là học sinh phải có động lực học và học thực sự nghiêm túc. Học thật rồi thì không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào cả. Nếu ở đối tượng được ưu tiên, được tuyển thẳng thì chúng ta hưởng; nhưng nếu không thì chúng ta học để có năng lực bản thân.

Trải qua các kỳ thi, chúng ta chứng minh được năng lực thực sự của mình để có kế hoạch học tập tốt hơn, lựa chọn nghề nghiệp đúng hơn, đáp ứng yêu cầu của cá nhân, phát triển bản thân cũng như đóng góp cho gia đình và xã hội. - Ông Nguyễn Xuân Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.