Chuyển động tích cực
Để cụ thể hóa chủ trương phân luồng cho đào tạo nghề nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác Phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS và THPT.
Cùng đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đa dạng hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; triển khai thí điểm dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông. Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải; hướng dẫn và giao quyền chủ động cho các nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, góp phần nâng cao hiệu quả PLHS.
Việt Nam thực hiện phổ cập giáo dục THCS, sau giáo dục THCS, hệ thống giáo dục quốc dân được phân thành 2 luồng: Luồng giáo dục phổ thông và luồng giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy, còn có hệ thống giáo dục thường xuyên. Như vậy, sau khi tốt nghiệp giáo dục THCS, học sinh có thể đi vào 4 luồng sau: Học tiếp lên THPT; học bổ túc THPT; học nghề hoặc trung cấp; tham gia vào thị trường lao động.
Đến nay, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc giáo dục hướng nghiệp nhằm định hướng PLHS. Chẳng hạn một số trường THCS tại Bắc Ninh và Hưng Yên đã liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để HS đến tham quan, học tập và trải nghiệm; Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh;
Tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dạy học các môn và tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông trại, làng nghề truyền thống như: một số trường tại Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hòa Bình, Cần Thơ… có chương trình trải nghiệm cho HS tại các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống;
Triển khai thí điểm các mô hình nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương như: Mô hình trường học - nông trường chè, trường học - nông trường mía, trường học - nông trường cam tại Tuyên Quang, Hòa Bình; trường học - vườn đào, trường học - du lịch ở Lào Cai, Hà Giang...; Triển khai mô hình đào tạo “Giáo dục phổ thông kết hợp với đào tạo nghề” cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tại Trà Vinh, bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người dân địa phương.
Nhờ vậy, công tác PLHS sau THCS đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước góp phần điều chỉnh cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
Cụ thể, PLHS sau THCS tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người phù hợp năng lực của cá nhân và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Trên bình diện của từng cá nhân, mỗi con người có một thiên hướng, năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh khác nhau, PLHS sau THCS không phải là ép buộc những học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi, mà là tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của họ… PLHS sau THCS còn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đòi hỏi sự thay đổi cơ cấu nhân lực cho phù hợp. Phân luồng học sinh sau THCS tạo điều kiện linh hoạt cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo…
|
Còn nhiều thách thức
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT cao làm ảnh hưởng đến cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động. Học tiếp lên THPT vẫn là luồng chủ yếu mà học sinh THCS hướng tới, mặc dù có nhiều em học sinh do hoàn cảnh khó khăn hoặc bị hạn chế về năng lực đã bỏ học khi chưa hoàn thành THPT. Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%, TPHCM 77%...). Trong khi đó, việc chọn luồng giáo dục thường xuyên chỉ là giải pháp của rất ít học sinh.
Mặt khác, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề và trung cấp thấp. Một số lượng tương đối lớn học sinh tốt nghiệp THCS tham gia vào thị trường lao động mà không qua đào tạo đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động. Năm 2015, tỷ lệ phân luồng toàn quốc ở cấp THCS: Vào THPT 76%, vào trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp 7%, vào trung cấp chuyên nghiệp 3%, trung cấp nghề 5%, đi làm 9%.
Luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ GD&ĐT, mỗi năm có khoảng từ 90 - 95% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT. Luồng học sinh tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT vào giáo dục nghề nghiệp. Năm học 2016 - 2017, học sinh tốt nghiệp THPT vào cao đẳng nghề, trung cấp khoảng 23%, học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%, đi làm khoảng 10%. Luồng học sinh tốt nghiệp THPT vào CĐ, ĐH. Tỷ lệ học sinh đăng ký tuyển sinh vào ĐH trong Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có tổng số 925.961 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, 237.320 thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Trong đó, chỉ có số thí sinh tự do đăng ký xét tuyển giảm, còn số thí sinh THPT, thí sinh GDTX và thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp đều tăng. Như vậy, có thể nói rằng công tác phân luồng học sinh sau THCS và cấp THPT có chuyển biến tích cực.
Năm 2015, ở TPHCM, có trên 75.000 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ khoảng 1.000 học sinh theo hướng học nghề (chiếm 1,33%). Cũng tương tự, tại Quảng Ninh, luồng học lên THPT chiếm quá lớn; luồng học lên TCCN và trung cấp nghề còn quá nhỏ (tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,6%), nhưng chỉ có gần 15% học sinh sau THCS được phân luồng vào học các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Kết quả khảo sát năm 2016 với quy mô mẫu 1.600 học sinh THCS ở khu vực nông thôn tại 4 tỉnh (Yên Bái, Bắc Giang, Đắk Lắk, Cần Thơ) về dự định tương lai của HS sau khi tốt nghiệp THCS, cho thấy phần lớn các em muốn tiếp tục học lên cao đẳng, đại học (80%); sau đó là dự kiến đi học nghề với tỷ lệ là 17,2%; tỷ lệ HS dự kiến đi làm để trang trải cuộc sống chiếm 14,1%, dự định đi học TCCN chỉ chiếm 10,7%. Ngoài ra, các em còn cho biết lí do không muốn học nghề và trung cấp chuyên nghiệp là do học nghề ít cơ hội phát triển, lương thấp, không muốn thua kém bạn bè, vị trí xã hội thấp, vì gia đình không muốn.
Ngoài ra, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT vào học nghề và TCCN thấp và xu thế vào CĐ, ĐH vẫn là con đường mà các em lựa chọn. Năm 2015 trong tổng số 1.004.484 thí sinh dự thi THPT quốc gia có 735.000 thí sinh tham gia xét tuyển vào ĐH và có 531.180 thí sinh đỗ vào các trường ĐH. Số còn lại, gần 200 nghìn sẽ vào các trường ĐH top dưới và các trường CĐ. Như vậy, có thể thấy gần như không còn người để đi học nghề. Năm 2017, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển sinh đại học là 26%. Học sinh đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc lựa chọn ngành nghề, phù hợp với năng lực của mình.
Bài 2: Cần những bước đi vững chắc