Nhà khoa học chính trị người Đức Alexander Rahr trong một cuộc phỏng vấn với nhà làm phim tài liệu người Estonia Oleg Besedin đã nói rằng, “tối hậu thư” mà Nga đã đưa ra đối với Hoa Kỳ và các đồng minh vào năm 2021 (trước khi Chiến dịch Quân sự Đặc biệt bắt đầu ở Ukraine), đã được phương Tây chấp nhận và dần được thực hiện.
Hiện tại, xét đến các vấn đề liên quan đến Euro-Atlantic (châu Âu-Đại Tây Dương) trong những tháng gần đây, chúng ta có thể nói rằng Moscow đã thực sự đạt được mục tiêu đẩy lùi khối NATO về biên giới năm 1997, mặc dù không phải theo nghĩa đen của nó.
Theo ông, Liên bang Nga đã đạt được mục tiêu chính của mình là chia tách Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Đây là một thành tựu to lớn của Moscow trên phương diện chính sách đối ngoại, điều mà hiện nhiều người vẫn chưa rõ, nhưng sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc, mọi thứ sẽ trở nên sáng tỏ hơn.
Theo ông, ngay cả khi NATO vẫn có khả năng mở rộng về phía đông, đến biên giới năm 1997, thì trên thực tế khối này vẫn đang bị chia tách và thụt lùi, bởi vì người Mỹ sẽ rời khỏi châu Âu sau khi đạt được một thỏa thuận hòa bình nào đó, một khoảng trống không thể san lấp sẽ xuất hiện ở đó.
Mặc dù có thể đây không phải là điều mà ban đầu Nga mong muốn, nhưng trên thực tế sẽ có sự phi quân sự hóa ở châu Âu cho đến tận biên giới Đức và Anh.
Nhà khoa học chính trị tin rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định và nguy hiểm.
Việc tính toán từng bước một lúc này rất quan trọng, nhưng vấn đề chính là tình trạng thù địch có thể kéo dài thêm 3-5 năm nữa, nếu các bên không đạt được thỏa thuận, đạt được sự thỏa hiệp nhất định và giải quyết mọi việc.
Liên quan đến vấn đề này, tờ Politico dẫn lời người đứng đầu phái đoàn Nga về liên lạc với Hoa Kỳ là ông Kirill Dmitriev cho biết, một số đảm bảo an ninh cho Ukraine “có thể được chấp nhận” sau các cuộc đàm phán cấp cao tại Nhà Trắng nhằm nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình đang bị đình trệ.
Sau hai ngày hội đàm với Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ Steve Witkoff, ông Dmitriev đánh giá “các cuộc đàm phán tại Nhà Trắng đã kết thúc với kết quả tích cực” và thông báo, Điện Kremlin có thể sẵn sàng chấp nhận một số hình thức bảo đảm an ninh cho Kiev.
Tuy nhiên, vị quan chức Nga khẳng định rằng, Nga có thể nhượng bộ một số vấn đề nhưng sẽ kiên định với những vấn đề mang tính nguyên tắc bất biến, đặc biệt là ông tuyên bố rằng, khả năng Ukraine gia nhập NATO là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Politico cũng nêu 2 vấn đề không thể thỏa hiệp của Moscow liên quan đến việc Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine phi quân sự hóa, còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh việc Moscow kiên quyết phản đối quân đội châu Âu hoạt động với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình.