Ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ là Tướng Dan Kaine mới đây đã tuyên bố rằng, Washington sẽ ủng hộ Kiev bất kể có diễn ra các cuộc thảo luận về một thỏa thuận hòa bình hay không.
Theo ông, Ukraine cần sự giúp đỡ không phải để giành chiến thắng mà là để củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán và kiềm chế Nga. Do đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay.
Vị quan chức Mỹ nhận định, cuộc xung đột Nga-Ukraine vào năm 2025 có thể sẽ tiếp tục là một cuộc chiến tranh tiêu hao, với cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề về nhân sự và vật chất.
Theo ông, Ukraine có quyền tự vệ trước Nga và theo quan điểm này, viện trợ của Mỹ sẽ cải thiện vị thế của chính quyền Kiev trên bàn đàm phán và ngăn chặn Moscow đạt được mục đích của mình.
Ông lưu ý rằng, Hoa Kỳ chỉ là một phần trong mạng lưới các quốc gia hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine và Washington nên tập trung vào các năng lực độc đáo mà chỉ người Mỹ mới có thể cung cấp, trong khi châu Âu tăng cường hỗ trợ tất cả các mặt.
Việc tiếp tục hỗ trợ Kiev trong khi vẫn tập trung vào đàm phán (vừa đánh vừa đàm) có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì Lực lượng Vũ trang Ukraine trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn sự sụp đổ ở các mặt trận, nhưng cũng không đặt ra nhiệm vụ cho một cuộc tấn công quyết định.
Theo vị lãnh đạo cao cấp tương lai của Lầu Năm Góc, Nhà Trắng đang đảm bảo quyền kiểm soát cuộc xung đột và chuyển giao trách nhiệm cho các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu.
Quả thực trong mấy ngày qua Mỹ đang nỗ lực chuyển viện trợ quân sự tới cho Ukraine, mà biểu hiện rõ nhất là tần suất máy bay vận tải hạng nặng tới sân bay Rzeszow của Ba Lan đã gia tăng đột biến trong mấy ngày qua.
Các nguồn giám sát không lưu cho biết, chỉ riêng trong vài ngày qua, đã có hai máy bay từ Căn cứ Không quân McGuire của Hoa Kỳ, ba máy bay từ Căn cứ Liên hợp Charleston, một máy bay từ Căn cứ Không quân MacDill và Biggs của Hoa Kỳ, cùng với một máy bay Mỹ xuất phát từ Căn cứ Không quân Ramstein của Đức đã hạ cánh tại đây.
Theo giới phân tích, quan điểm về việc Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine “vừa đánh, vừa đàm” với Nga rất khác xa với các tuyên bố của Mỹ và các đồng minh phương Tây khi đề cập đến một thỏa thuận ngừng bắn, mang lại một nền hòa bình bền vững cho Ukraine.
Theo một số chuyên gia phương Tây, chủ trương này của Hoa Kỳ sẽ khiến việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn là bất khả thi, trong khi đó, nó sẽ làm gia tăng bất đồng trong liên minh, còn trên chiến trường, nó có vai trò ổn định đường tiếp xúc, nhưng không tạo ra triển vọng đột phá nào cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.