Diễn đàn APEC TVET được tổ chức trực tuyến bởi Education New Zealand, công ty tư vấn giáo dục nghề nghiệp tư nhân lớn nhất quốc gia phối hợp với Tập đoàn Tư vấn Kỹ năng và Tổ chức quốc gia về Giáo dục Nghề nghiệp New Zealand. Với chủ đề “Đưa chúng ta đến gần nhau”, diễn đàn quy tụ các nhà lãnh đạo, chuyên gia của các chính phủ, tổ chức quốc tế và ngành Giáo dục nghề nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Giáo dục New Zealand, Chris Hipkins, cho biết chính phủ quốc gia này sẽ mở rộng cải cách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. New Zealand hướng đến xây dựng nên một hệ thống dạy nghề mạnh mẽ, thống nhất và bền vững.
“Chương trình đào tạo mới sẽ phù hợp với nhu cầu việc làm trong tương lai, cung cấp các kỹ năng giúp người học, nhà tuyển dụng và cộng đồng cùng phát triển”, ông Hipkins cho biết.
Cụ thể, chương trình cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo nghề New Zealand được gọi là RoVE, là sự thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Hipkins, chương trình đào tạo cũ hoạt động dựa trên hệ thống phân tách, tạo nên sự phân biệt rõ ràng giữa học tập và thực hành. Nhưng điều đó chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng và chưa trang bị đủ kỹ năng cần thiết cho người học.
Do đó, chương trình RoVE hướng tới là mạng lưới giáo dục nghề nghiệp tích hợp trên toàn quốc. Người học có thể “di chuyển” linh hoạt từ học tập sang công việc, từ học tập trung sang học trực tuyến hoặc học tập trao đổi trên khắp cả nước.
Chính phủ New Zealand đồng thời thành lập 6 Hội đồng Phát triển Lực lượng Lao động, thành lập 15 Nhóm Lãnh đạo Kỹ năng Khu vực, thành lập các trung tâm dạy nghề chất lượng cao và đơn giản hóa việc cấp bằng.
Ngoài ra, Te Pūkenga, Viện Kỹ năng và Công nghệ New Zealand, được thành lập vào tháng 4/2020, tập hợp 16 Viện Công nghệ và đa công nghệ của New Zealand, sẽ cung cấp chương trình đào tạo nghề ứng dụng trên tất cả các cấp của Khung trình độ New Zealand.
Mục tiêu của chính phủ New Zealand là đưa Te Pūkenga trở thành đối tác có giá trị, đáng tin cậy tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần chia sẻ kiến thức, chuyên môn cho các nước đối tác.
Ông Grant Klinkum, Giám đốc Cơ quan cấp chứng chỉ New Zealand, cho biết: “Đào tạo nghề của chúng tôi từng vấp phải một số khó khăn, khiến người học khó có thể tìm kiếm việc làm phù hợp. Chương trình mới sẽ bảo đảm quyền lợi của người học, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp”.
Chương trình đào tạo mới của New Zealand đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cộng đồng. Một số người ủng hộ việc chuyển đổi linh hoạt mô hình học nghề hiện nay, đặc biệt đáp ứng được xu hướng học trực tuyến gia tăng trong thời đại dịch Covid-19.
Việc học tập kết hợp nhuần nhuyễn cùng thực hành cũng giúp người học tăng cường trang bị các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng quốc tế hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, số khác cũng bày tỏ lo ngại chí phí chương trình đào tạo có thể tăng cao, yêu cầu tuyển sinh khắt khe. Dự kiến chương trình RoVE sẽ mất vài năm để xây dựng và đưa vào triển khai đồng bộ trên cả nước.