RT đưa tin, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell trong một tuyên bố mới đây đã thừa nhận rằng, nếu Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ các quan chức hàng đầu của Israel thì tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ bị buộc phải tuân thủ về mặt pháp lý.
Liên minh Châu Âu đã “lưu ý” về động thái này, Borrell thừa nhận.
“Nhiệm vụ của ICC, với tư cách là một tổ chức quốc tế độc lập, là truy tố những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế". “Tất cả các quốc gia đã phê chuẩn các quy chế của ICC đều có nghĩa vụ thi hành các quyết định của Tòa án" - ông Borrell khẳng định.
Trong khi đó, phía Mỹ đã phản ứng gay gắt về thông tin liên quan đến lệnh bắt giữ các nhà quan chức Israel và thủ lĩnh phong trào Hamas.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản:“Đơn xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel của công tố viên ICC là quá đáng”.
“Và hãy để tôi nói rõ: bất kể công tố viên này có ám chỉ điều gì, không có sự tương đương – không có – giữa Israel và Hamas. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng Israel trước các mối đe dọa đối với an ninh của nước này.”
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng phản ứng với thông báo của ICC, nói rằng Hoa Kỳ "về cơ bản bác bỏ" nỗ lực "đáng xấu hổ" của họ nhằm đánh đồng Israel với Hamas, mà ông gọi là "tổ chức khủng bố tàn bạo đã thực hiện vụ thảm sát người Do Thái tồi tệ nhất kể từ Holocaust."
Ngoại trưởng Blinken cho rằng ICC “không có thẩm quyền đối với vấn đề này”, đồng thời lưu ý rằng tòa án trước đây đã chuyển sang các cơ quan tư pháp quốc gia và đặt câu hỏi về “tính hợp pháp và độ tin cậy của cuộc điều tra này”.
Ông Blinken nói thêm rằng thông báo này không giúp ích và có thể gây tổn hại cho những nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn, đảm bảo thả con tin và cung cấp thêm viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza.
Trước các phản ứng từ phương Tây, Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, bày tỏ sự ngạc nhiên.
Ông Peskov cho biết khá "tò mò" trước phản ứng gay gắt của Washington trước đề nghị của Tòa án Hình sự Quốc tế yêu cầu lệnh bắt giữ thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel.
“Tình hình còn gây tò mò hơn với thái độ của Hoa Kỳ và việc nước này sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt ngay cả đối với ICC… Rất thú vị” - ông Peskov nhận định.
Người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý rằng Nga không công nhận các quyết định của ICC nhưng đang “quan sát cẩn thận” các diễn biến.
Đầu tuần này, Trưởng Công tố ICC Karim Khan đã nộp đơn xin lệnh truy nã Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant – cũng như các thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, Mohammed Diab Ibrahim al-Masri và Ismail Haniyeh – cáo buộc họ về “tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.”
Israel không phải là thành viên của ICC và không công nhận thẩm quyền của tòa án, nhưng Nhà nước Palestine đã gia nhập tổ chức này vào năm 2015. Mỹ là một trong những người sáng lập ICC, nhưng Quốc hội chưa từng phê chuẩn Quy chế Rome. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ả Rập Saudi và hàng chục quốc gia khác cũng không chấp nhận thẩm quyền của tòa án.
Tuy nhiên, khoảng 124 quốc gia trên toàn cầu đã ký và phê chuẩn Quy chế Rome, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên EU và tất cả các ứng cử viên, ngoại trừ Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu lệnh truy nã ông Netanyahu và Gallant được ban hành, điều đó có thể làm phức tạp nghiêm trọng khả năng ra nước ngoài của nhà lãnh đạo Israel.