Mỹ nói ICC không có quyền điều tra Israel

GD&TĐ - Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Tòa án Hình sự Quốc tế ICC không có quyền điều tra Israel mà chỉ đối với các trường hợp Ukraine hay Sudan.

Người lính của Lực lượng Phòng vệ Israel ở biên giới Gaza, ngày 1 tháng 5 năm 2024.
Người lính của Lực lượng Phòng vệ Israel ở biên giới Gaza, ngày 1 tháng 5 năm 2024.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với các phóng viên tại Washington rằng, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) không có thẩm quyền xét xử đối với các quan chức Israel, khi cuộc chiến ở Gaza đang trên đà bước sang tháng thứ bảy.

Cụ thể, mặc dù không công nhận quyền tài phán của ICC đối với công dân của mình, nhưng Mỹ vẫn hợp tác với tòa án trong một số vấn đề.

“Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với ICC trên một số lĩnh vực chính. Chúng tôi nghĩ rằng họ đang làm những công việc quan trọng vì nó liên quan đến Ukraine, Darfur, Sudan. Nhưng một lần nữa, trong trường hợp cụ thể này, tôi xin lỗi, họ không có thẩm quyền" - phó phát ngôn viên Vedant Patel nói.

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng tòa án có trụ sở tại Hague có thể ban hành lệnh bắt giữ lãnh đạo Israel về hành vi của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Gaza.

Thông tin về khả năng ICC ra lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gây xôn xao trên chính trường Mỹ. Hàng loạt nhà lập pháp ở cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều lên tiếng phản đối và kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng hoặc "trả đũa" ICC nếu có ý định trên.

Bloomberg đưa tin hồi đầu tuần này rằng, các nước G7 đã có cuộc trao đổi riêng với ICC liên quan đến cuộc điều tra. Theo đó, Israel có thể rút lui khỏi lệnh ngừng bắn nếu các nhà điều tra ICC nhắm mục tiêu trực tiếp vào các quan chức Israel.

Các quan chức ở Tây Jerusalem lo ngại rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi có thể là mục tiêu của ICC, theo Times of Israel.

Trong một video được phát hành hôm thứ Ba, ông Netanyahu đã chỉ trích các lệnh truy nã tiềm năng là “sự xúc phạm có quy mô lịch sử”.

Ông Netanyahu nói: “Việc coi các nhà lãnh đạo và binh lính của Israel là tội phạm chiến tranh sẽ đổ thêm dầu vào lửa của chủ nghĩa bài Do Thái."

Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói thêm rằng Israel không công nhận thẩm quyền của tòa án. Ông cáo buộc ICC đang cố gắng “làm tê liệt khả năng tự vệ của Israel”. Cũng giống như Mỹ, Israel không phải là thành viên của ICC.

Trong bài phát biểu của mình, ông Netanyahu nhắc lại rằng quân đội Israel sẽ không dừng lại cho đến khi nhóm chiến binh Palestine Hamas bị vô hiệu hóa và “Rằng Gaza sẽ không bao giờ gây ra mối đe dọa cho Israel nữa”.

Vào tháng 1, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), một cơ quan tư pháp riêng biệt, đã ra phán quyết rằng hành động của IDF ở Gaza có thể coi là tội diệt chủng .

Tòa án hiện đang xem xét vụ kiện do Nam Phi khởi kiện chống lại Israel và phán quyết về nội dung vụ việc có thể mất nhiều năm.

Tổng thống Israel Isaac Herzog chỉ trích quyết định của ICJ bắt đầu các thủ tục tố tụng chống lại đất nước của ông là “tàn bạo và phi lý”.

Vòng giao tranh hiện nay giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, khi phiến quân Palestine tấn công lãnh thổ Israel, giết chết hơn 1.100 người và bắt cóc hơn 250 người.

Theo chính quyền địa phương, hơn 34.000 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel.

Liên Hợp Quốc đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza, nơi người dân đang phải chịu nạn đói và thiếu nguồn cung cấp bên cạnh sự khủng khiếp của chiến tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG

Hình thành thói quen 'nói không với thuốc lá'

GD&TĐ - Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”.