Trong một tuyên bố hôm 20/5, Trưởng Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan cho biết, ông đang xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas, bao gồm cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, RT đưa tin.
Trưởng Công tố Karim Khan nêu rõ, có “cơ sở hợp lý để tin rằng” những người bị truy nã phải chịu trách nhiệm về “tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người” ở Gaza và ở Israel.
Cùng với Thủ tướng Israel Netanyahu, danh sách còn có Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Tuyên bố của công tố viên cho biết, các quan chức Hamas bị truy nã bao gồm thủ lĩnh nhóm vũ trang Palestine Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam – Mohammed Diab Ibrahim al-Masri, và người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Hamas Ismail Haniyeh.
Theo vị Trưởng Công tố, Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant bị nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza như cố ý tấn công dân thường, cố ý giết người và gây ra đau khổ, sử dụng nạn đói như một phương pháp chiến tranh, "tiêu diệt và/hoặc giết người" như một phương pháp chiến tranh, cũng như những “hành vi vô nhân đạo” khác.
Công tố viên cho biết các thủ lĩnh Hamas bị truy nã bị cáo buộc “chịu trách nhiệm hình sự” về tội giết người, hãm hiếp và các hành vi bạo lực tình dục khác cũng như bắt con tin, tra tấn và các “hành vi vô nhân đạo” khác.
Vào ngày 7 tháng 10, các chiến binh Hamas đã tiến hành một cuộc tấn công vào Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin.
Chính phủ Israel đã đáp trả cuộc tấn công bằng cách phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Gaza và vẫn đang tiếp diễn.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế vùng đất Palestine, 35.456 người đã thiệt mạng và 79.476 người khác bị thương do các cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel.
Israel không phải là thành viên của ICC và không công nhận quyền tài phán của tòa án Liên hợp quốc, nhưng Nhà nước Palestine đã gia nhập tổ chức này vào năm 2015.
Một khi lệnh bắt giữ ông Netanyahu và thủ lĩnh Hamas được ban hành, bất kỳ quốc gia nào trong số 124 quốc gia thành viên của tòa án sẽ bị xử lý, buộc phải bắt giữ nếu họ đặt chân lên lãnh thổ của mình.
Bộ trưởng tài chính cực hữu của Israel, ông Bezalel Smotrich thể hiện thái độ phản đối với quyết định của Trưởng Công tố viên ICC: “Chúng tôi chưa từng thấy một màn đạo đức giả và lòng căm thù người Do Thái nào như vậy được thể hiện bởi tòa án ở La Haye kể từ khi có tuyên truyền của Đức Quốc xã.”
Một thành viên nội các cánh hữu khác, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, đã kêu gọi Thủ tướng Israel và Bộ trưởng Quốc phòng “phớt lờ công tố viên bài Do Thái và ra lệnh tăng cường tấn công Hamas cho đến khi họ bị tiêu diệt hoàn toàn”.
Hồi tháng 4, khi có thông tin liên quan đến các lệnh bắt giữ của Tòa ICC, Thủ tướng Netanyahu đã đổ lỗi cho ICC vì đã tìm cách “làm tê liệt khả năng tự vệ của Israel”, đồng thời thổi bùng “ngọn lửa bài Do Thái”.
Trong khi đó, một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã nghĩ ra các biện pháp trừng phạt chống lại ICC nhằm ngăn cản cơ quan này truy tố các nhà lãnh đạo Israel.
Mỹ là đồng minh lớn của Israel, không phải là quốc gia thành viên của Quy chế Rome, thành lập ICC năm 2002.
Bình luận