Nét chữ nết người

GD&TĐ - Học sinh viết chữ xấu, trước hết sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi cử của bản thân ở bài kiểm tra định kỳ, các kỳ thi chuyển cấp hoặc tốt nghiệp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chấm những bài làm mà “chữ không ra chữ”, với giáo viên nào cũng đều là cực hình, nhất là môn làm bài thi theo hình thức tự luận. Bài làm viết chữ xấu, cẩu thả, người chấm rất dễ mất thiện cảm.

Bắt đầu vào lớp Một, học sinh sẽ học song song Tập viết cùng với Tập đọc, từ nét đơn giản như sổ thẳng, móc, nét khuyết cho đến việc tuân thủ các quy tắc về cỡ chữ, chính tả. Môn Tập viết, vì vậy, cũng bình đẳng như phân môn Toán, Tiếng Việt và các môn học khác bởi cùng với việc đọc, viết sẽ giúp trẻ nhớ và tiếp nhận kiến thức nhanh hơn.

Cùng với việc được giáo viên hướng dẫn cách cầm bút, tư thế ngồi đúng, cự li giữa mắt và vở để không ảnh hưởng đến thị lực, quá trình tập viết vừa giúp các em học cách ghi lại âm thanh, từ vựng theo quy tắc chính tả để tiến tới làm chủ các con chữ. Hơn thế nữa, môn Tập viết và quá trình rèn luyện nét chữ của học sinh cũng là lúc giáo viên tập cho các em tính cẩn thận, bình tĩnh, chăm chỉ, kiên trì, kỷ luật và cả thẩm mỹ… Luyện viết chữ đẹp, vì vậy còn là rèn tính cách. Điều này sẽ đặt nền móng vững chắc cho những tố chất giúp học sinh tự tin và thành công hơn trong cuộc sống về sau.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các trường học ở Đà Nẵng và nhiều địa phương khác tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2020 – 2021 hoặc kiểm tra giữa kỳ I năm học 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến. Nhiều trường học sử dụng phần mềm Zoom để giám sát quá trình làm bài của học sinh. Với những môn tự luận, học sinh làm bài trên giấy, chụp ảnh lại và gửi qua email hoặc ứng dụng Zalo cho giáo viên.

Nhiều giáo viên phải căng mắt vừa đọc vừa dịch bài kiểm tra bằng bản chụp của học sinh vì chữ xấu, không rõ ràng. Không chỉ có chữ viết xấu, nhiều em còn viết sai lỗi chính tả, không phân biệt và sử dụng đúng các loại dấu câu, cẩu thả trong khâu trình bày. Chấm bài kiểm tra qua bản chụp mà gặp bài của học trò với nét chữ không rõ ràng, sai lỗi chính tả, thậm chí phải vừa đọc vừa đoán chắc chẳng thầy cô giáo nào vui. Nhưng vì trách nhiệm, nhà giáo vẫn phải đọc để chọn ý chấm điểm.

Khi nhận một văn bản viết tay, điều đầu tiên gây chú ý cho người nhận, không phải là nội dung, mà là chữ viết và cách thức trình bày. Khi viết cho người khác, đặc biệt là đơn từ mà chữ viết xấu hoặc có chữ gạch bỏ sẽ bị xem là không tôn trọng. Chẳng thế mà có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, khi tuyển dụng nhân sự vẫn yêu cầu một lá đơn viết tay bởi nét chữ sẽ phản ánh một phần nết người, dù chữ có thể viết không đẹp những ít nhất cũng phải rõ ràng, sạch sẽ, cẩn thận. Đã có nhiều người so sánh rằng, viết chữ xấu cũng như viết chữ không dấu sẽ làm giảm hiệu quả truyền đạt ngôn ngữ và gây khó chịu đối với người đọc.

Rèn chữ viết không chỉ là rèn tính kiên trì, cẩn thận, mà còn rèn tính kỷ luật và văn hóa viết của mỗi học sinh. Có một “tác dụng phụ” của việc viết chữ đẹp là sẽ viết chậm hơn so với chữ nguệch ngoạc, cẩu thả. Khi viết chậm, người viết có thời gian để suy nghĩ nên câu chữ cũng chỉn chu, gãy gọn và ít tẩy xóa hơn. Có những thứ rất đơn giản được hình thành từ trong nhà trường ở bậc tiểu học sẽ góp phần không nhỏ tạo ra tính cách, hành xử cho những công dân tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ