Nepal: Giáo dục không ngăn được nạn tảo hôn

GD&TĐ - Tỉ lệ kết hôn ở tuổi vị thành niên tại quốc gia Nam Á thuộc loại cao nhất thế giới. Với nhiều nơi trên thế giới, đến trường vốn được coi là giải pháp cho tình trạng tảo hôn, thì tại Nepal không vận hành theo quy luật như vậy…  

Nepal: Giáo dục không ngăn được nạn tảo hôn

Vương quốc cô dâu nhí

Bên trong ngôi nhà của bố mẹ chồng, Apsara Devi Sah ngồi trên một tấm đệm nhỏ trong căn phòng không cửa sổ và nền đất. 3 ngày sau đám cưới, cô bé vẫn mặc trang phục cưới màu sắc rực rỡ, cùng với nhiều vòng vàng trang sức nổi bật trái ngược khung cảnh tối tăm.

Apsara, đang ở tuổi 16 vô cùng trẻ đẹp, chia sẻ: “Cháu không muốn kết hôn nhưng cháu là con gái duy nhất và bố cháu phải ra nước ngoài làm việc. Xã hội thường nghĩ tiêu cực về một cô con gái tuổi thiếu nữ ở nhà một mình. Hầu hết phụ nữ trong làng cháu kết hôn ở độ tuổi 15 – 16. Cháu nghĩ cháu còn quá trẻ để kết hôn, độ tuổi kết hôn nên là 18”.

Mặc dù tuổi tối thiểu kết hôn hợp pháp tại Nepal là 20, tại những ngôi làng vùng xa, tảo hôn là vấn nạn phổ biến.

Nepal có tỉ lệ cô dâu nhí cao nhất nhì thế giới. 50% phụ nữ từ 20 - 49 tuổi kết hôn trước khi đến tuổi 18, theo chương trình trẻ em của Liên Hiệp Quốc. 50% kết hôn trước tuổi 15. Hơn 1/3 số phụ nữ ở tuổi 24 có từ 3 con trở lên. Vấn đề đặc biệt nhức nhối tại những khu vực kém phát triển như Terai, nơi có 79% kết hôn trước tuổi 19 – theo điều tra dân số năm 2011.

Giáo dục không là “phép màu”

Theo truyền thống, kết hôn trẻ em là hiện tượng đi kèm với thiếu giáo dục. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ít hoặc không có giáo dục kết hôn sớm cao hơn 6 lần so với những bạn đồng niên học THCS. Tuy nhiên, tại Nepal quy luật này không đúng.

Apsara là một học sinh giỏi theo chuẩn của khu vực vùng xa nơi cô bé sinh sống, làng Maithil. Apsara nói tiếng Nepal, ngôn ngữ thứ hai của cô bé, trôi chảy và chuẩn hơn nhiều người nói tiếng Nepal bản địa. Apsara đứng thứ ba trong lớp, đã giành chứng chỉ tốt nghiệp SLC (kỳ thi kết thúc 10 năm phổ thông) để học tiếp lên lớp 11. Nhờ kiều hối từ công việc của bố tại Qatar, cả Apsara và em trai có thể đi học.

Dù đầu tư cho con học hành, bố mẹ Apsara vẫn muốn gả cưới con gái sớm bởi họ cảm thấy áp lực từ cộng đồng, tuy nhiên họ vẫn mong muốn duy trì việc học tập của con.

“Cháu muốn tiếp tục học. Bố chồng bảo đảm với bố đẻ cháu rằng sẽ để cháu học tới lớp 12” – Apsara cho biết – “Nhưng cháu không thể nói trước chuyện gì sẽ xảy ra”.

Trong khi các thể chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Liên Hiệp Quốc cho tới các chính phủ coi giáo dục là chìa khoá ngăn ngừa tảo hôn thì trường hợp như Apsara là khá bất thường. Thực tế xu hướng này nổi lên tại một số điểm nóng di cư ở Nepal.

Khi hàng triệu người Nepal ra nước ngoài tìm việc làm, kiều hối được gửi về quê cho con gái học hành với hy vọng tạo sức hút với những chú rể có giáo dục. Viễn cảnh hôn nhân tốt hơn đồng nghĩa ổn định và nhiều cơ hội hơn cho các thiếu nữ. Nhưng điều này thực tế không giúp gì ngăn ngừa tình trạng kết hôn sớm tại Nepal.

“Tảo hôn vẫn diễn ra – thậm chí với những em gái còn đang đi học” – Tuladhar, Chuyên gia bảo vệ Quyền trẻ em Nepal, nhận xét – “Khoảng 100% các em bỏ học sau kết hôn”.

“Xã hội nhìn nhận con gái khi dậy thì dễ làm điều sai trái” – Apsara giải thích – “Đây là một xã hội bảo thủ và phụ huynh không tránh được áp lực xã hội đó”.

Nepal cấm tình trạng trẻ em kết hôn từ 51 năm trước. Tuy nhiên, năm 2016, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc ước tính, cứ 10 trẻ em gái ở nước này thì có 4 em kết hôn trước khi 18 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.