Nên làm gì khi HS quay lại trường?

Nên làm gì khi HS quay lại trường?

Kỳ nghỉ dài, nhưng không đem lại cảm giác hạnh phúc, thoải mái cho bất kỳ ai. Nhà trường đóng cửa, nhưng cán bộ quản lý, giáo viên vẫn phải làm việc, thậm chí còn vất vả hơn: Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trường, lớp; tuyên truyền phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh; liên lạc với phụ huynh thường xuyên để nắm tình hình của các con; thực hiện dạy học qua mạng... Cha, mẹ thay nhau nghỉ làm để chăm sóc, quản lý con cái, đảo lộn các hoạt động bình thường trong cuộc sống gia đình, hoạt động nghề nghiệp… Trẻ nhớ trường lớp, nhớ bạn bè, mong được quay lại trường học. Trong bối cảnh này, cách làm nào là tốt nhất?

Góp phần cho trả lời câu hỏi này, có thể nhìn sang Singapore - quốc gia cũng có người nhiễm bệnh Covid-19. Hiện nước vẫn cho HS đi học bình thường, chỉ tạm hoãn không tổ chức các hoạt động tập thể: Hội trại, hội họp, lễ kỷ niệm có đông người tham gia, tổ chức các hoạt động xen chéo giữa các nhóm HS để tránh đông người...

Nhiều người Việt Nam không hiểu vì sao Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung lại cho rằng “ở trường học còn sạch sẽ và an toàn hơn ở nhà rất nhiều” và nghi ngờ về 3 nhược điểm của việc cho HS nghỉ học ở nhà ở thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hoành, đó là: Ở nhà không an toàn do cha, mẹ vẫn phải đi ra ngoài và mang mầm bệnh về; Không phải lúc nào HS cũng ở trong nhà, nhiều em đi ra ngoài mà cha, mẹ không kiểm soát được, cũng như không gian công cộng không thể an toàn, lành mạnh như ở trường; HS ở nhà khiến cuộc sống của cha, mẹ và gia đình bị đảo lộn.

Có thể rút ra bài học gì cho Việt Nam từ cách làm của Singapore? PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” cho rằng: Trước hết, cần rà soát lại các quy định về bảo đảm môi trường học tập an toàn, an ninh, phòng chống nguy cơ mất an toàn về thể chất, tinh thần cho HS tại trường học, cộng đồng.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp thống nhất, trách nhiệm cao giữa các cấp quản lý, từ Trung ương đến địa phương, quản lý ngành và nhà trường, trong đó, tập trung tăng cường nhận thức, trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường. Chú trọng chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của HS để trở thành thành viên chủ động, có trách nhiệm, sáng tạo trong xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thông qua xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục về cách tạo lập môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho bản thân.

Tại các trường học, nên thành lập Hội đồng/Ban an toàn nhà trường để có trách nhiệm, giám sát, bảo đảm an toàn cho HS trong trường. Xây dựng, phát triển năng lực xây dựng môi trường giáo dục bảo đảm an toàn, an ninh ở tất cả các cấp của hệ thống giáo dục, đặc biệt là lựa chọn, đào tạo và phát triển chuyên môn của hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên. Cuối cùng, hệ thống đánh giá về môi trường giáo dục cần phải được xem xét dưới góc độ đa chiều, trong đó có đánh giá từ HS và nên được thực hiện bằng nhiều công cụ khác nhau để có cái nhìn toàn diện, khách quan cho các nhà quản lý, nhà giáo dục về môi trường học tập của HS…

Trên thực tế, không chỉ Singapore, nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ vẫn cho HS đi học trong tháng 1 vừa qua và cả trong tháng 2 này. Ngay tại Trung Quốc, trừ vùng dịch, các địa phương khác vẫn không đóng cửa trường, HS, SV tới lớp bình thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam nên cân nhắc thực tế để cho HS đi học trở lại vào thời gian tới.

Mới đây, công văn điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 có nội dung đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em mầm non, HSSV, học viên đi học trở lại từ ngày 2/3/2020 của Bộ GD&ĐT được nhiều địa phương đồng tình, hưởng ứng. Hy vọng sự hưởng ứng đó sẽ biến thành hành động quyết liệt, để cha mẹ HS thực sự yên tâm khi cho con em mình quay trở lại trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ