Nên hiểu đúng quy định mở ngành theo TT 08-2011/TT-BGDĐT

Nên hiểu đúng quy định mở ngành theo TT 08-2011/TT-BGDĐT

(GD&TĐ) - Kể từ khi được ban hành (17/2/2011), Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT về việc “Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng” (gọi tắt là TT 08) đã được dư luận hết sức quan tâm.

g
Nhà nước vẫn phải quản lý việc mở ngành của các trường vì phải điều chỉnh để phù hợp với cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia

Trên một số tờ báo, diễn đàn, không ít cán bộ quản lý GD, các thầy cô giáo ở các trường ĐH,CĐ cũng như các Sở GD-ĐT lấy làm băn khoăn. Vấn đề làm dư luận băn khoăn là dường như theo TT08, Sở GD-ĐT có thể thẩm định việc mở ngành đào tạo ở bậc ĐH,CĐ? Có người cho rằng, việc giao quyền thẩm định mở ngành ở các trường ĐH,CĐ cho các Sở GD-ĐT là một việc không thể làm được, rằng như vậy chẳng khác nào “bắt chuột đi cày”.

Để rộng đường dư luận, chúng ta cần tìm hiểu trách nhiệm và quyền hạn của Sở GD-ĐT trong việc mở ngành cho các trường ĐH,CĐ theo TT 08 như thế nào.

Phần 1, Điều 6 của TT 08 nêu rõ: “Cơ sở đào tạo gửi 03 bộ hồ sơ đến Sở GD-ĐT, nơi trường đặt trụ sở đề nghị kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện về đội ngũ giảng viên,  trang thiết bị phục vụ đào tạo, thư viện của cơ sở đào tạo. Đồng thời, gửi công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tự thẩm định chương trình đào tạo (Phụ lục VIII) hoặc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín thẩm định chương trình đào tạo”.

Phần 2, Điều 6 của TT 08 nêu rõ trách nhiệm của Sở GD-ĐT là: “Kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu, trang thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo của ngành đăng ký đào tạo”.

Như vậy, nhiệm vụ của Sở GD-ĐT chỉ là kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình phục vụ đào tạo của ngành đăng ký đào tạo. Về kiểm tra đội ngũ giảng viên cơ hữu, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra sổ lượng, sổ bảo hiểm và các minh chứng về văn bằng, chứng chỉ, hợp đồng lao động...của từng giảng viên cơ hữu. Về kiểm tra cơ sở vật chất, đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra tên máy móc, thiết bị, số lượng, năm sản xuất cũng như số lượng từng giáo trình, tài liệu...

Tóm lại, đoàn kiểm tra chỉ đi kiểm tra hiện trạng thực tế của các cơ sở đào tạo muốn mở ngành, xem thực tế có đúng với những gì đã khai trong hồ sơ hay không, chứ không kiểm tra chương trình, nội dung, phương pháp hay việc phân công giảng viên dạy các môn học có đúng chuyên ngành hay không...

TT08 cũng nhấn mạnh rằng Sở GD-ĐT phải có trách nhiệm đảm bảo tính trung thực và chính xác của các kết quả kiểm tra thực tế tại cơ sở đào tạo. Như vậy, Sở GD-ĐT không có chức năng thẩm định việc mở ngành ở các trường ĐH,CĐ như một số người từng nghĩ.

Vậy ai sẽ là người thẩm định?

Mục 1, Điều 6 của TT 08 khẳng định cơ sở đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo nếu có đủ điều kiện về kinh nghiệm đào tạo, số lượng giáo sư, tiến sĩ theo quy định (Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học gồm 5 thành viên, có chức danh khoa học là giáo sư hoặc phó giáo sư, có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ thuộc ngành đăng ký mở ngành đào tạo). Trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện theo quy định thì Bộ sẽ chỉ định một trường đủ điều kiện để tiến hành thẩm định chương trình đào tạo. Để thẩm định chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo phải thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức họp Hội đồng đúng quy định theo hướng dẫn tại TT38 hoặc TT08. Hội đồng chuyên môn này mới chịu trách nhiệm trả lời những câu hỏi đại loại như: chương trình tạo có đúng quy định, có đảm bảo khoa học và phù hợp với thực tiễn? Mục tiêu đào tạo là gì? Khối lượng kiến thức, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết và thực hành như thế nào là hợp lý?...

Ngoài ra, có ý kiến vẫn còn băn khoăn rằng Sở GD-ĐT lấy đâu ra người có trình độ chuyên môn để kiểm tra, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng ngành học ở các trường ĐH,CĐ? “Kéo” Sở vào việc này chỉ thêm rườm rà, đi ngược với chính sách cải cách hành chính của Chính phủ...

Nên nhớ rằng, nhiều địa phương trên cả nước chỉ có 1,2 hoặc có nơi không có trường ĐH nào. Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nơi có nhiều trường ĐH,CĐ thì Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã phân cấp, giao cho 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng được tự chủ mở ngành cho các trường thành viên. Thứ nữa, không phải tất cả các trường ĐH,CĐ đều đồng loạt mở ngành, bởi nhiều trường giàu truyền thống thì ngành nghề của họ khá ổn định. Việc mở ngành thường xảy ra với các trường mới thành lập hay mới nâng cấp. Chính vì vậy, các Sở GD-ĐT không hề “quá tải” khi được giao kiểm tra, xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện tại các cơ sở đào tạo- một công việc mang tính thống kê là chủ yếu.

Ngoài ra phải khẳng định rằng việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục ĐH,CĐ, trong đó có các địa phương là thực hiện đúng Nghị quyết 50 của Quốc hội khoá 12 về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH; Nghị định số 115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Chưa hết, sự tham gia của địa phương chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt cho các trường ĐH,CĐ hoạt động và đây cũng là nội dung quan trọng của “xã hội hoá giáo dục”.

Các quy định của Bộ GD-ĐT về mở ngành hiện nay, xét cho cùng là hướng tới mục tiêu giao quyền tự chủ cho các trường. Vào thời điểm hiện tại, ngoài 5 ĐH (2 ĐH quốc gia, 3 ĐH vùng) tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành cho các trường thành viên, Bộ đã quyết định thí điểmgiao cho ĐH Bách khoa Hà Nội quyền tự chủ trong việc mở ngành. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì việc giao quyền tự chủ phải có lộ trình, có điều kiện, có phân cấp, có thu hồi, không giao đồng loạt. Đặc biệt, Nhà nước vẫn phải quản lý việc mở ngành của các trường vì phải điều chỉnh để phù hợp với cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia. Nếu để các trường tự do mở ngành sẽ dẫn đến tình trạng chạy theo những ngành dễ đào tạo mà không đáp ứng được cơ cấu nguồn nhân lực. 

Thiết nghĩ, TT08 là một văn bản quá rõ ràng, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu không hiểu đúng nội dung của TT08 sẽ dẫn đến những bình luận sai lệch.

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ