Nên giữ nguyên phương án lấy điểm sàn kỳ thi "3 chung"

Nên giữ nguyên phương án lấy điểm sàn kỳ thi "3 chung"

(GD&TĐ) - Đề án tuyển sinh của 4 trường ngoài công lập đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng năm 2013 đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến đóng của bạn đọc. Một số ý kiến cho rằng vẫn nên giữ nguyên phương án điểm sàn kỳ thi "3 chung" như hiện nay là hợp lý.

"Đầu vào" thấp gây bất lợi cho chính nhà trường

PGS.TS Phạm Đăng Phước
PGS.TS Phạm Đăng Phước

Tâm lý chung của học sinh hiện nay là muốn được vào học tại các trường đại học lớn, tốp trên.Đây là khó khăn đối với các trường không thuộc số đó. Trong khi các trường ĐH địa phương hay đại học ngoài công lập cùng một hệ thống, đều mong muốn bình đẳng như nhau. Trường ĐH Phạm Văn Đồng những năm qua đã phải rất nỗ lực để duy trì nguồn tuyển, đảm bảo 100% chỉ tiêu được giao.

Phương án tuyển sinh riêng của 4 trường ngoài công lập chỉ hoàn toàn dựa vào điểm thi tốt nghiệp cũng như điểm học tập của bậc THPT để xét tuyển, thay vì lấy điểm sàn kỳ thi 3 chung làm ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào. Liệu tuyển sinh như vậy với một chất lượng đầu vào thấp có gây bất lợi cho chính nhà trường hay không; thêm nữa sự đồng nhất về điểm số và đánh giá ở các THPT hiện nay còn là vấn đề phải bàn định…

Theo tôi, cứ giữ nguyên phương án lấy điểm sàn kỳ thi "3 chung" như hiện nay là hợp lý.                 

PGS.TS Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi)

Chất lượng học sinh THPT không đồng đều

Việc không tổ chức thi tuyển ĐH, CĐ mà có chủ trương xét tuyển riêng căn cứ và dựa vào điểm học 3 năm của THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là không hợp lý. 

Nên giữ nguyên phương án lấy điểm sàn kỳ thi "3 chung" ảnh 2
NGƯT, GS.TS Nguyễn Tấn Quý

Bởi vì chất lượng giáo dục THPT hiện nay còn nhiều hạn chế, không ổn định ở các năm học. Mặt khác, chất lượng học sinh THPT không đồng đều giữa các khu vực, còn có sự chênh lệch giữa đồng bằng, miền núi và thành thị, giữa địa phương này với địa phương khác khá lớn.

Vấn đề quan trọng hơn cả là khi các trường tổ chức tuyển sinh theo phương án xét tuyển học sinh THPT sẽ không đánh giá được năng lực, trình độ và chất lượng học sinh.

Từ đó sẽ xảy ra tình trạng học sinh THPT có chất lượng thấp  không theo kịp được chương trình giáo dục ĐH - CĐ, khiến các trường không đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Không theo kịp chương trình, dẫn đến hậu quả là các em sẽ bị loại thải, gây lãng phí cho người dân và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của người học.

Vì vậy, chúng tôi nhất trí và đồng quan điểm với phương án tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT hiện nay và cho đến năm 2015. Việc xây dựng điểm sàn, điểm chuẩn đầu vào sẽ giúp các trường ĐH, CĐ vừa đảm bảo được chất lượng đào tạo, vừa khẳng định uy tín, thương hiệu trong đào tạo.

NGƯT, GS.TS Nguyễn Tấn Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

 10 - 12 năm nữa tuyển sinh riêng mới khả thi

Thời gian qua chất lượng GD có nâng lên đáng kể nhưng bậc học phổ thông còn có nhiều vấn đề , đặc biệt về chất lượng. HS phổ thông kiếm điểm còn khá dễ, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng dễ, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 90 – 100%, một con số quá đẹp nhưng chất lượng thật sự ít nhiều bị ảnh hưởng. Đỗ tốt nghiệp cao như vậy nhưng đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ số thí sinh đạt điểm trung bình còn rất thấp, có khi chỉ từ 10 – 15%. 

Nên giữ nguyên phương án lấy điểm sàn kỳ thi "3 chung" ảnh 3
TS Nguyễn Văn Quang

Khi chất lượng bậc học phổ thông còn chưa cao, chưa thể hiện đúng năng lực thật sự của HS, các trường ĐH, CĐ căn cứ vào kết quả học tập 3 năm THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển thì khó mà đảm bảo chất lượng đầu vào.

Xét đến thời điểm hiện nay thì hình thức thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ vẫn được xem là phương án thể hiện ưu điểm và được chấp nhận rộng rãi. Bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH là không ổn, muốn làm được cần phải có lộ trình, ít nhất từ 10 – 12 năm nữa mới triển khai có khả thi.

Thực tế cần phải nhìn nhận rằng dù trường ĐH công lập hay ngoài công lập, mục tiêu cuối cùng là đào tạo nhân lực có trình độ, có tay nghề cho xã hội. Chúng ta đang dần hướng đến cách đánh giá bình đẳng, đối xử công bằng giữa hai loại hình trường này.

Vì thế, không có trường tốp dưới, được ưu tiên, được đùm bọc mà phải đối xử bình đẳng, cùng phát triển và chắc chắn phải có sự đào thải. Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản, là “tư lệnh” nên cần xem các trường công hay NCL đều bình đẳng như nhau, được thụ hưởng chính sách như nhau.

Nguồn tuyển sinh đầu vào đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ tuyển SV có trình độ mà đòi hỏi phải có đạo đức, lòng say mê nghề nghiệp và có khi đòi hỏi năng khiếu…

Vấn đề đặt ra  hiện nay là chất lượng bậc học phổ thông, một khi đảm bảo được chất lượng phổ thông thì hãy tính đến việc tuyển sinh riêng dựa vào hình thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ… Quan trọng nhất là làm sao lấy GD phổ thông làm nền tảng và bậc học này phải có chất lượng thực sự…

Thực tế đầu ra quyết định đầu vào, trường đào tạo SV đáp ứng nhu cầu xã hội thì nhận được sự quan tâm và chắc chắn sẽ thu hút người học. Nhưng nếu trường không đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, con người mà tuyển sinh ồ ạt thì hậu quả như thế nào? Thay vì tuyển sinh nhiều thì trường tuyển sinh ít lại mà có chất lượng. Chính xã hội, người sử dụng lao động sẽ đánh giá, nhận xét và phản hồi về chất lượng đào tạo của trường một cách công tâm nhất… 

TS Nguyễn Văn Quang – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tây Đô.

Thúy Hồng - Quốc Ngữ ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ