Nên chọn ngành học thực sự ĐAM MÊ

GD&TĐ - Chúng ta, những con người trẻ tuổi đang sống quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Với bao khát khao, hoài bão mang theo bên mình, chúng ta sẵn sàng đối mặt với những thử thách phía trước. Nhưng, đâu đó vẫn còn những người trẻ đang lửng lơ với đam mê của chính mình, nhất là ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Họ đã, đang và tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Đam mê của mình là gì?”. Họ vẫn lạc lối và chông chênh ở tuổi đôi mươi, thời điểm được cho là vạch xuất phát của cuộc đời trưởng thành.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Đừng chọn ngẫu nhiên

Tuổi đôi mươi mới từng bước chập chững bước vào đời, con người thường có xu hướng muốn tự khẳng định mình, tìm kiếm cái tôi cá nhân. Mỗi chúng ta cần phải hình thành và xây dựng nền tảng từ trước đó. Có người đã thành công và vững bước trên con đường họ đã chọn lựa, vì họ biết bản thân mình là ai và mình thực sự muốn gì.

Tiếc thay, một bộ phận người trẻ (nhất là sinh viên) đã đánh mất điều đó ngay từ năm tháng nền. Họ thong thả học-chơi-ăn-ngủ mà chẳng hề bận tâm đến tương lai của mình là được quyết định từ thời phổ thông. Để rồi, cái tâm lí nhởn nhơ, vô tư với mọi việc đeo bám họ cho đến khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Họ phân vân, băn khoăn khi không biết chọn ngành gì, học trường nào để phù hợp với bản thân. Để rồi họ vội vàng đặt bút đăng kí vào một ngành học, một ngôi trường mà khi ấy họ chưa từng nghĩ đến hay chỉ vì yêu thích nó (một cách ngẫu nhiên).

Họ không tìm hiểu, không tự hỏi mình có thực sự đam mê và phù hợp với nó không mà chỉ nghe theo sự sắp đặt của gia đình hoặc nghe theo lời của bạn bè. Họ chọn ngành học theo xu hướng giới trẻ để rồi khi đối mặt với nó, họ vấp ngã.

Vì chiều lòng bố mẹ

Trường hợp của bạn Hồng Giang (ĐH Sư phạm TPHCM) là một ví dụ, bạn đăng kí vào ngành học theo mong muốn của bố mẹ. Thời gian đầu, bạn học thoải mái, chương trình học không quá nặng nề và khó khăn. Nhưng bắt đầu từ học kỳ hai năm nhất, khi học các môn chuyên đề, bạn tỏ ra mệt mỏi và gồng mình để theo kịp các học phần.

Những con điểm C, C+, D bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn và bạn cũng đã rớt kha khá môn. Những học kỳ tiếp theo đó, bạn học một cách gượng ép và cố gắng học chỉ để qua môn. Những kiến thức cứ trôi tuột qua từng ngày. Bạn đến lớp với gương mặt uể oải, thái độ chán nản và luôn gục trên bàn trước những bài giảng của thầy cô.

Và khi bạn nhận ra ngành học không phù hợp với bạn, bạn không dám từ bỏ để theo ngành khác mà vẫn tiếp tục gắng gượng để hoàn thành xong khóa học này. Nhưng bạn đâu biết rằng, việc ấy lấy mất đi thời gian, công sức và tiền bạc của bạn mà chẳng được ích lợi gì.

Bạn Quốc Trình (ĐH Sư phạm TPHCM) từng tâm sự: “Khi phát hiện mình đam mê một ngành khác, việc đến trường với mình ngày ngày kinh khủng vô cùng. Mình đi học chỉ nhằm mục đích điểm danh”. Mang trong mình tâm lí nặng nề và không thoải mái khiến cho họ cảm thấy những ngày đến trường không còn là “niềm vui” mà đổi lại là sự tẻ nhạt và vô vị, cứ thế lặp lại như một vòng tuần hoàn vô định đi học - về nhà - ăn ngủ.

Việc mình không yêu thích thì làm sao mình có thể toàn tâm toàn ý dành cho nó. Việc những bạn trẻ ấy đang làm chỉ nhằm cố bấu víu vào những gì còn sót lại để nuôi hi vọng mỏng manh là cố ra trường thật sớm để thoát khỏi cảnh nhàm chán và vô vị này.

Đừng mải mê kiếm tiền

Một số bạn khác lại bị đồng tiền chi phối cuộc sống của họ. Họ vừa đi học vừa đi làm, đó là điều hợp lí nếu như họ biết cân bằng giữa hai việc đó. Nhưng tiếc thay, việc đi làm khiến họ thích thú và dành nhiều thời gian cho nó hơn là việc học.

Như trường hợp bạn Hoàng Phước (CĐ Phát thanh truyền hình) vì đi làm thêm mà bạn có thể cúp một buổi học, nghỉ vài lần đến lớp để có mức lương hậu hĩnh. Dường như việc đi học đối với bạn quá khó khăn khi mà bạn không thấy hứng thú hoặc nhận ra đi làm sẽ có ích hơn.

Vô hình trung, đam mê của những bạn đó cứ dần phai mờ để rồi không xác định được là tiếp tục theo học hay từ bỏ việc học này. Họ ưu tiên thời gian cho việc kiếm tiền hơn là củng cố kiến thức và trau dồi kĩ năng ở trường.

Những người trẻ ấy đang sống như những con bù nhìn, vật vờ giữa giảng đường đại học. Họ không biết đam mê của mình hay cố tình né tránh nó. Bởi thế họ cứ trong tình trạng lửng lơ giữa đam mê và hiện thực. Họ không thể tìm được lối thoát cho chính mình, họ luôn cảm thấy vô cùng bế tắc về con đường học vấn và tương lai của mình. “Ra trường mình sẽ làm gì?”, “Cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu?” “Mình học ngành này có thật sự giúp ích được gì hay không?”…

Hãy theo đuổi đam mê thực sự

Mặt khác, những bạn trẻ có ý chí và nghị lực khi thấy bản thân không phù hợp với ngành đang học đã từ bỏ để chuyển sang một ngành khác, để ở đó họ có thể phát huy được hết thế mạnh và thỏa mãn được niềm yêu thích, hoài bão của chính mình. Và sau khi ra trường, họ đã thành công nhất định và hài lòng với quyết định trước đó là theo đuổi đam mê thực sự của mình.

Như trường hợp của bạn Quỳnh Hoa (ĐH Kinh tế TPHCM) từng là sinh viên của trường ĐH KHXH&NV vì không cảm thấy phù hợp với ngành học sau hơn ba năm trời nên bạn đã chuyển sang một ngành khác. Hiện tại, bạn đang học năm 3 ngành Kinh tế quốc tế và cảm thấy rất hài lòng về quyết định thay đổi ngành của mình.

Bên cạnh đó, một số bạn trẻ từ bỏ việc học của mình để theo đuổi đam mê của chính mình. Đó là trường hợp của bạn Nhật Anh, từng là sinh viên trường ĐH Đà Lạt, nay đã trở thành một người dẫn tour du lịch (leo núi và cắm trại) cho khách du lịch trong và ngoài nước. Có một công việc ổn định và được làm những gì mình thích, đó là điều Nhật Anh mong muốn cũng là cách có trách nhiệm với bản thân và cuộc sống tương lai.

Thực hiện kim chỉ nam của chính mình

Khi con người ta trưởng thành thì cần trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Rằng mình có thể làm được những gì và thế mạnh của mình là gì? Rằng mình có thực sự hứng thú và dành thời gian cho những công việc ấy? Chúng ta cần soi xét và nhận ra khả năng và thực lực của bản thân chứ không thể mơ hồ và nửa vời.

Năm 20 tuổi, ta băn khoăn tự hỏi: Con đường mình đang đi có phải là con đường mình muốn đi? Ta không biết dừng lại, bước tiếp hay rẽ sang một hướng khác? Và khi ấy ta rơi vào hoang mang. Cảm giác đó thật sự đáng sợ, vì nó đeo đẳng, rất khó tìm ra cách giải quyết và chấm dứt cảm giác đó một cách nhanh chóng hay dễ dàng. Những lúc đó bạn cần tìm ra kim chỉ nam của mình.

Nếu có trách nhiệm với lựa chọn của mình thì hãy học hành đàng hoàng cho đến khi kết thúc khóa học, đừng để thời gian của mình và công sức của ba mẹ bỏ ra một cách vô ích. Nếu có trách nhiệm với bản thân mình, thì nên dứt khoát chọn lối một đi khác không lửng lơ, không chần chừ để không phải hối tiếc.

Tương lai là do chúng ta quyết định ở hiện tại, vì thế hãy có trách nhiệm với bản thân để sau này có thể đứng vững trên đôi chân của mình, có thể tự lập và hài lòng với những gì mình đã từng trải qua.

Những người trẻ luôn đi tìm đam mê cho bản thân mà không biết rằng nó đã ở ngay trước mặt bạn. Đừng mơ hồ, đừng chần chừ và sợ hãi nữa, tuổi trẻ này chỉ có một mà thôi! Có đam mê, tuổi trẻ sẽ là những ngày tuyệt đẹp.

Đừng quá quan trọng về việc đi tìm đam mê của mình là gì, vì nó đã có sẵn rồi! Hãy hiểu rõ bản thân muốn sống một cuộc đời như thế nào và đâu là thứ phù hợp nhất với mình.

Tiếc thay, một bộ phận người trẻ (nhất là sinh viên) đã đánh mất điều đó ngay từ năm tháng nền. Họ thong thả học - chơi - ăn - ngủ mà chẳng hề bận tâm đến tương lai của mình là được quyết định từ thời phổ thông. Để rồi, cái tâm lí nhởn nhơ, vô tư với mọi việc đeo bám họ cho đến khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.