Bertelsmann Stiftung, một tổ chức có trụ sở tại Đức, đã thăm dò ý kiến của cả người Mỹ và công dân của 27 quốc gia thành viên EU. Mặc dù một số mối quan tâm trùng lặp, kết quả khảo sát cho thấy, khối này đã trở nên độc lập hơn sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Cuộc thăm dò cho thấy, 63% công dân EU mong muốn khối này đi theo con đường riêng của mình, so với chỉ 25% vào năm 2017.
51% công dân EU được thăm dò tin rằng, Mỹ là đồng minh có giá trị nhất của họ, đặc biệt ở người lớn tuổi hơn.
Chỉ có 38% nhóm tuổi 18-35 ủng hộ Washington, trong khi con số này tăng lên tới 63% ở nhóm tuổi 55 trở lên.
Trong khi đó, 25% người Mỹ được thăm dò cho rằng, khối này là đồng minh có giá trị nhất của họ, trong khi 27% chọn Vương quốc Anh.
“Công dân EU sẽ hiểu rằng, nước Mỹ cũ sẽ không quay trở lại. Họ không thể hy vọng điều tốt nhất. Họ cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất: Một nước Mỹ siêu giao dịch, đôi khi đối kháng và ích kỷ”, Isabell Hoffmann và Catherine De Vries, những người đã phân tích dữ liệu thăm dò cho Bertelsmann, đã viết.
Trong khi công dân Mỹ và EU vẫn coi nhau là đồng minh có giá trị nhất và coi trọng NATO, thì theo Hoffmann và De Vries, "tám năm nước Mỹ cực đoan hóa trong nước và truyền tải thông điệp trái chiều ở nước ngoài đã gây ra hậu quả".
EU cũng bị chia rẽ theo quốc gia, khi chỉ có 43% người Bỉ coi Mỹ là đồng minh hàng đầu của họ so với 65% người Ba Lan. 13% người Ý chọn Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của họ.
Công dân EU và người Mỹ đều chọn biên giới an toàn là mối quan tâm hàng đầu của họ, lần lượt là 25% và 35%. Một tỷ lệ phần trăm cao hơn một chút ở EU tin rằng, NATO bảo vệ họ khỏi mối đe dọa đó, 64% so với 59% ở Mỹ.
Trong khi 73% công dân EU muốn khối này đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề thế giới thì chỉ có 56% người Mỹ mong muốn điều tương tự cho đất nước họ.
Bertelsmann đã thăm dò hơn 26.000 người trên khắp 27 quốc gia thành viên EU và một mẫu đại diện gồm 2.500 người Mỹ. Các tác giả đặt biên độ sai số là 0,8% ở EU và 3% ở Mỹ, với mức độ tin cậy là 95%.