NATO lùi bước vì biết các biện pháp đáp trả

GD&TĐ - Lời cảnh báo của của Tổng thống Putin về việc NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga đã mang lại hiệu quả.

Đức từng cân nhắc chuyển tên lửa tầm xa Taurus KEPD-350 cho Ukraine.
Đức từng cân nhắc chuyển tên lửa tầm xa Taurus KEPD-350 cho Ukraine.

Hôm 12 tháng 9, ông Putin đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc rằng NATO sẽ thấy mình trong tình trạng chiến tranh với Nga nếu họ để Kiev tự do tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí phương Tây đã làm dấy lên nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt thế giới.

Hãng thông tấn Novosti đã hỏi các nhà quan sát làm thế nào để tránh được một sự kiện khủng khiếp như vậy.

Nhà Trắng đã chọn cách giả vờ như không nghe thấy lời cảnh báo của Putin, khi thư ký báo chí của Tổng thống Biden là Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm 12 tháng 9 rằng bà sẽ không "đưa ra những giả thuyết" hay "thảo luận chính sách nội bộ" sau khi được hỏi rằng Washington nên "lo ngại" như thế nào.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder đảm bảo với báo chí rằng "không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi" vào lúc này, và nhắc lại bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tuần trước rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev sẽ tiếp tục nhưng vẫn khẳng định rằng "không có một khả năng nào... không có giải pháp thần kỳ nào giúp Ukraine thành công".

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố rằng quyền sử dụng tên lửa tầm xa của Anh sẽ không được cấp cho Ukraine và nhấn mạnh London không tìm kiếm "bất kỳ cuộc xung đột nào" với Moscow.

Berlin đã ám chỉ lập trường tiêu cực của mình đối với canh bạc có rủi ro cao của NATO, khi một phát ngôn viên của chính phủ cho biết lập trường của Thủ tướng Scholz về việc cấm chuyển giao tên lửa Taurus của Đức cho Ukraine vẫn không thay đổi và ông Scholz "rất quyết đoán về vấn đề này".

"Chúng ta thực sự đang đùa với lửa", nhà phân tích chính sách đối ngoại và cựu chiến binh Quân đội Mỹ David Davis cho biết trong một video phân tích tuyên bố của ông Putin, cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo phương Tây dường như không hiểu rằng hành động của họ đang đưa hành tinh này đến gần một cuộc xung đột lớn.

"Lằn ranh đỏ rõ như ban ngày. Quả bóng hiện đang ở trong sân của NATO. Hãy cầu nguyện cho họ biết họ đang làm gì", nhà báo người Ireland Chey Bowes cho biết.

Nga có phương tiện để đáp trả

Cựu nghị sĩ Anh và nghiên cứu viên cấp cao của Học viện Quốc phòng Anh Matthew Gordon-Banks trả lời thông tấn Nga rằng khả năng đã được chứng minh của Nga trong việc đáp trả các hành động khiêu khích trước đây của NATO tại Ukraine "là lý do chính khiến Washington hiện miễn cưỡng đồng ý sử dụng một số loại vũ khí tầm xa khác để nhắm mục tiêu vào bên trong nước Nga".

Nhận định được học giả Matthew đưa ra khi bình luận về sự chậm trễ rõ ràng của các quốc gia liên minh trong việc cân nhắc chuyển thêm vũ khí tầm xa cho Kiev và đồng ý cho sử dụng những loại vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga.

Đề cập đến cuộc tấn công tên lửa gần đây của Nga vào quân đội Ukraine và căn cứ huấn luyện lính đánh thuê ở Poltava để đáp trả các cuộc tấn công ngày càng hung hăng của Ukraine vào Nga, Gordon-Banks đã trích dẫn cuộc tấn công này như một bằng chứng rõ ràng với các nhà quản lý NATO tại Kiev rằng Nga đã sẵn sàng và quan trọng hơn là có khả năng đáp trả.

"Những tên lửa Nga này đã tránh được hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ và ba hệ thống phòng không khác của châu Âu. Người ta cũng tin rằng hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các cố vấn quốc phòng và hàng không của Saab Thụy Điển đã thiệt mạng, sau đó bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển đã từ chức", người quan sát cho biết.

Do đó, "trong khi phương tiện truyền thông phương Tây và những người định hình dư luận chủ chốt thích nói rằng những cảnh báo của Nga từ Tổng thống Putin chỉ là 'lời nói hớ', thì thực tế là Washington biết rõ điều gì có thể xảy ra, và các cuộc tấn công ở khu vực Poltava, cộng với việc bắn hạ một chiếc F-16 là phản ứng có cân nhắc trước sự leo thang gần đây", Gordon-Banks nói thêm.

Đối với các tên lửa Anh và Pháp mà Kiev có, chúng "không có tầm bắn để tấn công các mục tiêu quan trọng sâu bên trong nước Nga", với việc Nga rút "nhiều thiết bị quan trọng ra khỏi tầm với của chúng", theo nhà quan sát.

"Ngoài ra, khả năng tác chiến điện tử và hệ thống phòng không vượt trội của Nga đã thành công trong việc hạ gục một tỷ lệ đáng kể các thiết bị của phương Tây", ông nói.

Cựu nghị sĩ Đảng Bảo thủ bày tỏ sự nhẹ nhõm trước "sự thận trọng tối đa" của Tổng thống Putin cho đến nay trong việc phản ứng với các hành động khiêu khích của phương Tây, đồng thời chỉ ra rằng "những người khác ở Moscow có thể muốn hành động ít thận trọng hơn".

Cuộc chiến đang vượt khỏi tầm kiểm soát

Những người bảo trợ cho chính quyền Ukraine "đã nghe" lời cảnh báo của Tổng thống Putin về rủi ro xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa Nga và NATO nếu phương Tây bật đèn xanh cho việc sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga, và đã bắt đầu "đảo ngược tiến trình", nhà phân tích chính trị và quân sự Sergey Poletaev nói.

Những ồn ào xung quanh việc dỡ bỏ các hạn chế cho thấy cả Kiev và những người bảo trợ của họ đều nhận ra rằng "Ukraine đang thua cuộc", chiến lược làm kiệt quệ quân đội Ukraine của Nga đang "có hiệu quả", với mặt trận sụp đổ theo hướng Pokrovsk, nói chung là ở Donbass và ở Kursk.

Theo Poletaev, lời cảnh báo của Tổng thống Putin nhằm mục đích thiết lập rõ ràng "ranh giới đỏ" của Nga và giải thích "với mọi người rằng 'này các bạn - đây là ranh giới, nếu các bạn vượt qua, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về hành động của mình'".

Poletayev đồng tình với lập luận của Tổng thống Putin về vai trò của NATO trong việc thu thập thông tin tình báo và nhắm mục tiêu, nói rằng các phi công Ukraine được giao nhiệm vụ phóng tên lửa về phía Nga chỉ cần nhấn một nút.

Bởi "mọi công tác chuẩn bị, mọi hoạt động trinh sát - bắn vào đâu, bắn với khối lượng bao nhiêu, sử dụng phương tiện gì và các vấn đề kỹ thuật - tất cả những việc này đều do các chuyên gia quân sự phương Tây thực hiện".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ