NATO dự phòng phương án nóng nếu ông Trump tái đắc cử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phương Tây đang tìm cách đảm bảo viện trợ Ukraine trong kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử.

NATO có thể đang tìm cách để viện trợ Ukraine suôn sẻ trong kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử.
NATO có thể đang tìm cách để viện trợ Ukraine suôn sẻ trong kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử.

Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử là kịch bản mà NATO và Ukraine đều lo ngại.

Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, các nhà lãnh đạo NATO đang nghĩ ra cách để hạn chế những tác động có thể có trên chính trường Mỹ ảnh hưởng đến chương trình viện trợ Ukraine.

RT đưa tin, khối quân sự NATO sẽ đảm bảo việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev mà không phụ thuộc vào Washington.

Các kế hoạch dự kiến sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO tại Brussels trong tuần này.

Một trong những thay đổi được đề xuất trong việc hỗ trợ Kiev sẽ ảnh hưởng đến cái gọi là Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, nhóm tổ chức các cuộc họp hàng tháng tại Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức để điều phối việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine. Nhóm này hiện do Washington lãnh đạo.

Theo các nguồn tin, ý tưởng được khối quân sự đưa ra là chính thức sáp nhập nhóm này vào các cấu trúc của NATO.

Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc và NATO, nói với Politico: “Có cảm giác, không phải toàn bộ nhóm mà là một phần của nhóm NATO, cho rằng tốt hơn là nên thể chế hóa quy trình để đề phòng trường hợp Trump tái đắc cử”.

Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg được cho là đã đề xuất thành lập một quỹ để chi trả cho việc cung cấp vũ khí trong 5 năm tới.

Được mệnh danh là Phái đoàn cho Ukraine, ngân sách chiến tranh sẽ lên tới 100 tỷ USD hoặc 100 tỷ euro (108 tỷ USD).

Bên cạnh việc đề phòng chính trường Mỹ và tăng cường cung cấp vũ khí cho tới khi xảy ra kịch bản ông Trump tái đắc cử, khối quân sự này dự kiến sẽ nâng cấp vai trò của mình để thúc đẩy Ukraine thực hiện những cải cách cần thiết cho việc gia nhập khối.

Ông Donald Trump đã gợi ý rằng ông sẽ đánh giá lại viện trợ cho Ukraine nếu ông tái đắc cử vào Nhà Trắng vào cuối năm nay. Ông Trump đã tuyên bố trong quá trình vận động tranh cử rằng ông có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ bằng cách gọi điện tới Kiev và Moscow.

Cựu Tổng thống Mỹ từ chối giải thích chi tiết cụ thể về kế hoạch của mình, nhưng có lẽ có ý định gây áp lực cho cả hai bên trong cuộc chiến để buộc phải thỏa hiệp.

Cuối tuần qua, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết Hạ viện có thể sẽ sớm bỏ phiếu về việc cung cấp nguồn tài trợ mới cho Kiev.

Ông Johnson cho biết có “một số đổi mới quan trọng” trong dự luật lần này. Trong số đó có khả năng gia hạn khoản vay cho Ukraine - một ý tưởng được ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump ưa chuộng. Dự luật có thể cũng sẽ đề cập đến việc tịch thu tài sản thuộc quyền của Nga bị đóng băng ở Mỹ và chuyển số tiền thu được cho Kiev.

Ukraine tuyên bố chiến thắng quân sự toàn diện là kết quả duy nhất có thể chấp nhận được, nhưng quân đội nước này phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của phương Tây.

Trong khi đó, phía Nga coi cuộc xung đột Ukraine là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga, trong đó Kiev và NATO đóng vai trò là công cụ cho quyền bá chủ của Mỹ.

Theo giới lãnh đạo Nga, việc khối NATO do Mỹ dẫn đầu mở rộng ở châu Âu và ý định sáp nhập Ukraine là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ