(GD&TĐ) - Các dữ liệu do xe tự hành Curiosity (Tò mò) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập được trên sao Hỏa khẳng định khi xưa trên hành tinh này đã có những điều kiện thích hợp cho sự sống. Chiến dịch thăm dò sao Hỏa tiếp theo sẽ cho biết sự sống có thực sự tồn tại trên đó hay không. Tuy nhiên, để trả lời được câu hỏi này chúng ta sẽ phải đưa những mẫu vật thu thập được trên sao Hỏa về trái đất - Ông John Grunsfeld, giám đốc khoa học của NASA cho biết như vậy tại một hội thảo khoa học vừa được tổ chức ở Washington (Mỹ).
Có nước trên sao Hỏa
Hội thảo được coi là cuộc tổng kết các công trình kéo dài từ tháng Giêng của một nhóm các nhà khoa học, nhằm xác định mục tiêu cho chương trình chinh phục sao Hỏa mới, dự kiến bắt đầu vào năm 2020. Mục tiêu quan trọng nhất là trả lời được câu hỏi trên sao Hỏa đã từng tồn tại sự sống hay không. Chính vì lẽ đó mà sau 7 năm nữa, NASA sẽ đưa lên sao Hỏa một xe tự hành nữa - một phiên bản cải tiến của Curiosity.
“Trong tất cả các hướng mở ra trước NASA hiện nay, hướng hợp lý nhất là tiếp tục đổ bộ lên bề mặt sao Hỏa - Grunsfeld khẳng định - Ở đây không nói về khoa học mà nói về nguồn cảm hứng, có thể cho phép trẻ em mơ tưởng về việc khám phá các vì sao. Đối với tôi, nguồn cảm hứng đã từng là chương trình Apollo và việc đổ bộ lên mặt trăng. Vào thời đó, chúng tôi bị mê hoặc bởi mặt trăng và những con khủng long. Ngày nay, trẻ em mơ về sao Hỏa và ngành robot học. Hai xe tự hành Spirit và Opportunity mà chúng ta gửi lên sao Hỏa trước đó đã khẳng định nước đã từng tồn tại ở dạng lỏng trên hành tinh này. Xe tự hành Curiosity có nhiệm vụ xác định trên sao Hỏa đã từng có những điều kiện thích hợp cho sự sống và nó đã khẳng định được điều đó. Chiến dịch tiếp theo là bước tiến mới trên con đường chinh phục sao Hỏa”.
Sao Hỏa từng có nước trong thời gian đầu |
Sẽ đổ bộ lên sao Hỏa năm 2030
Xe tự hành mới sẽ được trang bị một loạt thiết bị có khả năng phát hiện dấu vết vi sinh vật. Khác với Curiosity, nó có thể lấy được mẫu vật nằm bên trong các tảng đá, chứ không chỉ thu thập bụi trên bề mặt. Xe tự hành mới có thiết bị cho phép tiến hành các thử nghiệm và nghiên cứu hóa học cơ bản đối với các loại khoáng chất. Tuy nhiên bộ phận quan trọng nhất của nó là một cái hộp không lớn. Một cái hộp sẽ được mang trở về trái đất.
Chiến dịch thám hiểm sao Hỏa mà NASA dự định triển khai vào năm 2020 sẽ là chiến dịch đầu tiên có khả năng mang mẫu vật thu thập được trên sao Hỏa về trái đất. “Hiện giờ những nghiên cứu tiến hành tại chỗ trên sao Hỏa không thể chứng minh chắc chắn rằng sự sống đã từng tồn tại ở đó. Công nghệ hiện nay không đủ sức đảm bảo điều đó. Vì vậy xe tự hành mới sẽ mang theo một cái hộp đặc biệt để robot xếp các mẫu vật vào trong đó”- Giáo sư địa chất Jack Mustard (Trường Đại học Brown, Mỹ) cho biết như vậy. Ông nói thêm: “Chúng tôi dự định bảo quản mẫu vật và tùy thuộc vào các thử nghiệm tiến hành trong xe tự hành chúng tôi sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mang mẫu vật về về trái đất. Chuyến bay mang mẫu vật trở về dự kiến diễn ra trong giai đoạn 2020 – 2030 hoặc muộn hơn nữa. Khi đó các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên trái đất sẽ cho chúng ta biết chính xác về sự tồn tại sự sống trên sao Hỏa. Sự việc sẽ đơn giản hơn nếu như người ta phát hiện ra, chẳng hạn, xương của một loài khủng long nào đó trên sao Hỏa! Tuy nhiên, nhiều khả năng là trong các mẫu vật sẽ có dấu vết của vi sinh vật, mà các dấu vết này thì khó phát hiện hơn”.
Mục tiêu tiếp theo của chiến dịch là chuẩn bị cơ sở để con người có thể đổ bộ lên sao Hỏa. “Đó sẽ là một cuộc thử nghiệm và trình diễn công nghệ mới. Chúng ta sẽ nghiên cứu khí quyển sao Hỏa. Chúng ta cũng sẽ đo nồng độ bức xạ mà con người phải hứng chịu khi lên sao Hỏa. Chúng ta cũng sẽ phải kiểm tra các quá trình chọn lựa vị trí đổ bộ và các thao tác cần thiết khi có nguy hiểm xảy ra. Từ đó, chúng ta sẽ đưa ra các giải pháp đảm bảo sự chính xác trong đổ bộ và đảm bảo độ an toàn cao nhất cho phi hành gia tương lai”- Giáo sư Mustard cho biết. Theo ông, NASA sẽ đưa người lên sao Hỏa vào khoảng năm 2030.
Phùng Thu Nguyệt
(Theo báo nước ngoài)