Trong cuộc phỏng vấn mới đây với CNN, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đã bình luận về các thông tin cho rằng Nga đang tìm cách quân sự hóa không gian bằng việc đưa vào vũ trụ các thiết bị quân sự được trang bị hạt nhân có khả năng làm tê liệt các vệ tinh và thiết bị mặt đất tiên tiến của Mỹ.
Theo đó, ông Bill Nelson cho biết, có 15 đối tác trên Trạm vũ trụ quốc tế và Nga là một trong số đó.
Giám đốc NASA nhấn mạnh, hợp tác không gian giữa hai nước bắt đầu từ năm 1975 khi họ triển khai sứ mệnh Soyuz-Apollo. Ông nói: “Kể từ đó, chúng tôi đã hợp tác hòa bình với Nga."
“Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng trạm vũ trụ. Chúng tôi vận hành nó cùng nhau. Chúng tôi muốn điều đó tiếp tục. Chúng tôi không muốn những vấn đề khác ngoài hòa bình cản trở hợp tác" - ông Nelson nói với CNN.
Nga đã nhiều lần cảnh báo chống lại một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian và ủng hộ việc sử dụng nó vì mục đích hòa bình.
Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Ba cho biết Moscow luôn phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.
"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng và minh bạch: Chúng tôi luôn quyết liệt phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian" Tổng thống Putin tuyên bố vào ngày 20/2.
Ông Putin cũng cho biết thêm rằng: "Chúng tôi không chỉ kêu gọi các bên duy trì các hiệp ước đã có hiệu lực mà còn không ngừng nhấn mạnh sự cần thiết của việc củng cố những hiệp ước đó."
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mỹ và các đồng minh đang thực hiện các bước đưa vũ khí vào không gian và sử dụng không gian bên ngoài cho các hoạt động chiến đấu chứ không chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
Bộ này cho biết, phương Tây tiếp tục coi không gian là một đấu trường mới của sự cạnh tranh và xung đột giữa các quốc gia, trong đó Nga và Trung Quốc được xác định là đối thủ chính.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cũng bác bỏ các tin đồn từ Washington về việc quân sự hóa không gian.
"Nga chưa triển khai và không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Nga không có kế hoạch đó", ông Shoigu nhấn mạnh.