Nâng tầm giảng viên

GD&TĐ - Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

Chất lượng giảng viên đang được các trường Đại học, Cao đẳng tập trung nâng cao. Ảnh: Xuân Phú
Chất lượng giảng viên đang được các trường Đại học, Cao đẳng tập trung nâng cao. Ảnh: Xuân Phú

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn, nan giải của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội: Nâng cao tỷ lệ trình độ tiến sĩ

“Học vị tiến sĩ có thể coi là điều kiện tối thiểu để thực hiện nghiên cứu độc lập. Càng nhiều giảng viên có học vị tiến sĩ, năng lực nghiên cứu của cơ sở giáo dục đại học càng cao, uy tín học thuật của trường được củng cố và quy mô đào tạo sau đại học mở rộng. Điều này lý giải vì sao nhiều trường đại học trên thế giới chỉ tuyển dụng ứng viên có trình độ tiến sĩ. Năm 2020, số lượng giảng viên tại Việt Nam là 73.132, chủ yếu có trình độ thạc sĩ (chiếm 60,3%); có 21.977 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm 30,1%, tăng 1,3% so với năm 2019 (Bộ GD&ĐT, 2020). Tỷ lệ này còn thấp so với các nước trên thế giới và khu vực”. - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng

Hiện có một số Đề án được triển khai nhằm đào tạo, nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Cụ thể, Đề án 322 (Quyết định số 322/2000/QĐ-TTg ngày 19/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước), Đề án 911 (Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020) tạo cơ hội cho hàng nghìn giảng viên từ các cơ sở giáo dục đại học học tập và nghiên cứu ở những quốc gia phát triển bằng ngân sách Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ này đã và đang đóng góp tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam, là động lực và cung cấp bài học kinh nghiệm triển khai Đề án 89 (Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2019 - 2030).

Đề án 89 có những điểm mới phù hợp với điều kiện quản trị hiện tại của giáo dục đại học Việt Nam, tăng tính tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học. Mục tiêu cử người đi học gắn với nhu cầu sử dụng thực tế của cơ sở giáo dục dựa trên cơ sở hợp đồng tạo nguồn giảng viên; quy trình tuyển chọn ứng viên do cơ sở giáo dục thực hiện, và kinh phí hỗ trợ được cấp trực tiếp cho người học tại các cơ sở giáo dục uy tín trong nước. Ngoài ra, phạm vi đề án đã mở rộng thu hút các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ trong và ngoài nước về công tác tại cơ sở giáo dục.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng.

Tuy kinh phí đào tạo đã dự trù, quyền tự chủ của các trường được nâng cao song vẫn tồn tại một số khó khăn ngoài phạm vi của Đề án như: Điều kiện làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam chưa chuyên nghiệp như ở các nước tiên tiến; nhà khoa học nước ngoài hoặc cán bộ sau khi đi học tại nước ngoài nhiều năm còn cân nhắc tới đãi ngộ đối với gia đình.

Do đó, một mặt, cơ sở giáo dục đại học cần quyết tâm nâng cao năng lực đội ngũ để có kế hoạch tạo nguồn giảng viên tham gia Đề án. Mặt khác, Bộ, ngành liên quan và địa phương cần tiếp tục theo sát để tạo cơ chế hấp dẫn nhằm thu hút và sử dụng nguồn lực cử đi đào tạo trở về và nguồn lực tuyển dụng được từ ngoài hệ thống.

Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ sở giáo dục đại học, đây chủ yếu là cán bộ giảng dạy có uy tín, kinh nghiệm và có một số kỹ năng quản lý con người, tài chính tại các cấp quản lý thấp hơn. Cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt một số kỹ năng quản lý như: Tài chính; khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ; nhân tài hợp tác quốc tế; xây dựng, chiến lược và kế hoạch trong giáo dục đại học... Khi quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục tăng lên, quyền tự chủ nhiều hơn, năng lực quản trị đại học là tối quan trọng để điều phối nguồn lực hiện có hiệu quả, thu hút đa dạng nguồn lực ngoài ngân sách và hỗ trợ của Nhà nước.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên: Yêu cầu mới đối

GS.TS Phạm Hồng Quang.

GS.TS Phạm Hồng Quang.

Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học là giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Các trường khi thành lập, nâng cấp cần đạt chuẩn tối thiểu về tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ và lộ trình nâng cao cả về số và chất lượng đội ngũ. Đây là điểm khó khăn, nan giải nhất của các trường đại học.

Việc nâng tỷ lệ này hằng năm đang gặp nhiều thách thức về sức hút, cơ chế làm việc, môi trường sáng tạo, sự di chuyển cơ học… Mặt khác, do tự chủ đại học giai đoạn đầu còn những hạn chế nhất định, có khi đồng nhất năng lực giảng viên với bằng cấp, học vị, học hàm trong khi bối cảnh mới đòi hỏi giảng viên đại học phải thích ứng những thay đổi lớn.

Do đó, đội ngũ giảng viên phải chủ động thích nghi với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục. Mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục 2019 đã có sự thay đổi quan trọng nhằm “phát triển toàn diện con người Việt Nam”. Sự thay đổi này đã tiếp cận giáo dục khai phóng, sáng tạo, mở, đề cao giá trị con người, là thực hiện lời dạy của Bác Hồ từ 1945: “…Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Với tư tưởng phát triển toàn diện con người, giáo dục gia đình, xã hội là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường không thể đơn độc trong việc quyết định chất lượng con người. Nhà trường là nơi ươm tạo cái mới, nhân cách phải do chính con người quyết định. Trong xã hội số, cũng xuất hiện quan điểm xem nhẹ yếu tố con người.

Tuy nhiên cần lưu ý khái niệm công nghệ, chỉ gồm một yếu tố kỹ thuật, 3 yếu tố còn lại là: Nguồn lực con người; thông tin; tổ chức. Nhân tố con người, nguồn lực con người trong cấu trúc năng lực kỹ thuật vẫn là trọng tâm. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp sinh viên học hỏi bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là cơ hội lớn không thể bỏ qua, giảng viên đại học cần thích nghi nhanh với sự thay đổi ấy. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn này không phải đã thấm sâu vào mọi giảng viên.

Tiết học của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Xuân Phú

Tiết học của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Xuân Phú

Tiếp đó, giảng viên cần tăng tốc độ và chất lượng kết nối. Môi trường 4.0, trước hết là chuyển đổi số, đòi hỏi giảng viên phải chuyển đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm, chủ động tạo ra môi trường sáng tạo. Chỉ trong môi trường thật sự dân chủ, trí tuệ và phản biện, cái mới sẽ xuất hiện. Chỉ với chức năng truyền đạt thì giảng viên sẽ bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, do vậy “Người thầy giáo phải trở thành chuyên gia giáo dục chứ không phải chuyên gia truyền đạt kiến thức” (UNESCO). Tuy nhiên, chưa có nhiều động lực mạnh để thực thi yêu cầu này, nhất là trong bối cảnh tự chủ, cạnh tranh.

Đa dạng mô hình đào tạo người thầy cũng là yếu tố quan trọng. Giáo dục đang cần “giáo viên” hay là “người dạy” trong tương lai? Đang có 2 mô hình đào tạo 4 năm tại trường sư phạm và mô hình nối tiếp (2+2) tại các trường đa ngành. Nhưng chưa có mô hình chuẩn đào tạo giảng viên đại học. Người thầy phải chuyển vai từ “giảng dạy” sang “hướng dẫn”.

Thực tiễn đặt ra câu hỏi: Liệu cử nhân công nghệ thông tin, tiếng Anh, kỹ sư kỹ thuật công nghệ, nhạc sĩ, họa sĩ, doanh nghiệp… khi có nhu cầu tham gia vào quá trình giáo dục đại học thì chuẩn nghề nghiệp ở đâu? Cần cơ chế hoạt động để họ tham gia vào 3 khâu của quá trình: Đề xuất ý tưởng, thiết kế chương trình giáo dục; tổ chức giảng dạy và đánh giá. Như thế, môi trường giáo dục được mở rộng, hấp dẫn hơn và giảm thiểu các áp lực cho người học.

TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh): Cần phối hợp đồng bộ

TS Trần Ái Cầm.

TS Trần Ái Cầm.

Khát vọng của Việt Nam đặt ra đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á. Giáo dục được cho là quốc sách đem đến những thay đổi cho sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Như vậy, để góp phần đưa Việt Nam đạt được khát vọng vào năm 2045 đặt ra nhiệm vụ quan trọng và nặng nề đối với giáo dục đại học. Để thực hiện được đổi mới giáo dục, đội ngũ giảng viên trường đại học đóng vai trò quan trọng vì trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.

Bên cạnh các yêu cầu cứng về năng lực như trình độ tiến sĩ (theo Thông tư số 4/2016/ TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học), giảng viên cần đạt các yêu cầu về năng lực: Nghiên cứu khoa học; xây dựng, thiết kế và thực hiện chương trình dạy học; lựa chọn và áp dụng các phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá phù hợp đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra; ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học; giám sát và tự đánh giá chất lượng công việc; nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu chung của quốc gia về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đòi hỏi giảng viên cần có năng lực đào tạo khởi nghiệp, cố vấn cho người học, thực hiện đổi mới sáng tạo. Để linh hoạt đáp ứng trong bối cảnh VUCA (cụm từ được sử dụng phổ biến để mô tả về thế giới hiện nay: Biến động - Volatility, không chắc chắn - Uncertainty, phức tạp - Complexity và mơ hồ - Ambiguity), giảng viên cũng cần có năng lực “Design thinking - tư duy thiết kế”. Năng lực số của giảng viên đại học cần để đáp ứng cho chuyển đổi số như năng lực: Vận hành thiết bị và phần mềm công nghệ; xử lý dữ liệu và sáng tạo; giao tiếp, hợp tác; an ninh, an toàn.

Để phát triển được đội ngũ giảng viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thực hiện khát vọng Việt Nam 2045, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của Nhà nước với trường đại học. Một số khuyến nghị về giải pháp thực hiện như:

Nhà nước thiết lập khung năng lực của giảng viên đáp ứng yêu cầu mới. Từ khung năng lực này có chính sách, chương trình đào tạo bồi dưỡng giảng viên đồng bộ từ các đơn vị chủ quản đến trường đại học, đặc biệt có lộ trình quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên trẻ.

Tiếp tục tạo điều kiện cho giảng viên các trường đại học ngoài công lập tham gia Đề án 89 để nâng cao trình độ tiến sĩ, trong đó tăng cường hội thảo hướng dẫn các thủ tục cũng như hỗ trợ để ứng viên có thể đáp ứng được yêu cầu đề án; đơn giản hóa các thủ tục tham gia Đề án, rút ngắn thời gian xem xét phê duyệt hồ sơ để Đề án có thể đạt các mục tiêu đặt ra, nhất là sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19.

Các trường đại học ngoài công lập bên cạnh chính sách tài chính cần đa dạng cơ chế để chăm sóc giảng viên, tạo môi trường làm việc thuận lợi, nâng cao giá trị thương hiệu để có thể chủ động thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên có năng lực. Nhà nước có chính sách và nhìn nhận đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, khen thưởng các doanh nghiệp đã đóng góp cho đào tạo đại học.

“Định hướng “cuộc sống giáo dục” cần được triển khai theo mục tiêu trường học hạnh phúc, một nhà trường có chất lượng sẽ không tách rời cuộc sống sôi nổi. Vì vậy, khái niệm thay thế “người dạy” rộng hơn giáo viên, sẽ tạo ra một chuỗi nguồn lực từ thực tiễn dưới sự dẫn dắt của nhà giáo dục (giáo viên, giảng viên) nhằm cộng hưởng sức mạnh, góp phần gia tăng chất lượng, hoặc có thể giải quyết căn bản bài toán thiếu giáo viên diễn ra trong khi “người dạy” không thiếu”. - GS.TS Phạm Hồng Quang


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.