Nâng tầm vị thế nhà giáo quyết định tới đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Trong giáo dục, niềm tin của học trò đối với người thầy vô cùng quan trọng để hình thành nên vị thế, tình cảm, đam mê tri thức và những nỗ lực phấn đấu, noi gương ở cuộc sống và học tập.

Vị trí của người thầy được tạo ra từ năng lực chuyên môn, ứng xử, tâm huyết, tình yêu học trò
Vị trí của người thầy được tạo ra từ năng lực chuyên môn, ứng xử, tâm huyết, tình yêu học trò

Niềm tin làm nên vị thế

Có được niềm tin của học trò với người thầy xem như “cánh cửa” giáo dục tri thức mở ra hiệu quả. Tuy nhiên, chinh phục niềm tin của học trò chưa khi nào dễ dàng. Nó luôn đòi hỏi thầy cô bên cạnh chuyên môn vững chắc là kinh nghiệm sống, kĩ năng ứng xử, sự bao dung, kiên nhẫn, tình thương yêu học trò.

Cô Lê Thị Kim Ngọc, Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ bí quyết gây dựng niềm tin với học trò, đó là kiên nhẫn, không nổi nóng, luôn nhẹ nhàng trước những lỗi lầm của học sinh, biết động viên khuyến khích đúng lúc.

Tất nhiên, khi học trò có lỗi cũng cần giải thích, giáo dục chứ không thể bao che. Song để tránh học sinh nhận ra lỗi lầm trong xấu hổ với bạn bè cô Ngọc thường góp ý, trao đổi riêng. Cô cũng luôn động viên, khuyến khích bằng những lời khen đúng mực và với sự tiến bộ dù nhỏ.

Học sinh tiểu học không khó nhưng chẳng dễ để hình thành tình cảm với thầy cô nếu các em không nhận thấy sự tin tưởng của thầy cô dành cho mình, được khích lệ đúng cách. Và bên cạnh đó có sự nghiêm khắc, dứt khoát trong lời nói hành động của thầy cô sẽ giúp trẻ chủ động sửa chữa sai lầm, và dần tiến bộ. “Nếu để học sinh mất mặt trong lớp có thể sẽ dẫn tới việc ngại, sợ đối diện bạn bè thầy cô, không muốn đến lớp bởi lo lắng gặp phải sự cười chê. Các em sẽ tìm cách đối phó trước những sự việc, góp ý hơn là chủ động sửa chữa sai lầm…”, cô Ngọc trao đổi.

Với NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) lại củng cố niềm tin của học trò bằng chính sự quan tâm về tinh thần, hỗ trợ thiết thực về kiến thức hàng ngày.

Học trò của cô Hạnh bên cạnh học sinh thành phố, có điều kiện gia đình khá giả thì cũng có không ít em thuộc dân tộc thiểu số. Các em rời bản làng, xa gia đình, người thân đi học và điều kiện vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên, trong những học trò này luôn có sự quyết tâm, ý chí nghị lực lớn.

Với đặc thù này, nếu chỉ kêu gọi ủng hộ vật chất để các em thụ hưởng cũng không phải là cách làm tốt, hơn nữa học sinh dân tộc có lòng tự trọng, tự ái cao cũng chưa chắc đã đón nhận hỗ trợ vật chất trực tiếp. Chính vì vậy, cô luôn tìm cách thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho trong học tập, phát huy được năng lực bản thân để đạt kết quả học tập tốt nhất.

Từ đó được nhận học bổng hàng tháng của nhà trường và nhiều tổ chức xã hội. Sự hỗ trợ xuất phát từ trân trọng, thúc đẩy cho kiến thức phát triển sẽ giúp khiến các em tự hào và tiếp thêm động lực học tốt, xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc để tiến tới thành công trong tương lai.

Giáo dục hiệu quả hơn khi vị thế giáo viên luôn được thể hiện

Giáo dục hiệu quả hơn khi vị thế giáo viên luôn được thể hiện

Nói về kinh nghiệm xây dựng niềm tin với học trò, cô Nguyễn Thị Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) lại chia sẻ đó là sự kiên nhẫn bao dung, giữ kín sai trái của học trò để nhắc nhở, dạy bảo và chờ đón sự sửa chữa, tiến bộ. Mặt khác, khi các em nhận ra lỗi bản thân cô không để bụng để tránh suy nghĩ hành động tiêu cực ảnh hưởng tới mối quan hệ thầy trò.

Không ngẫu nhiên các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo đều cho rằng giáo dục xuất phát từ niềm tin. Khi có niềm tin của học trò thì vị thế của người thầy càng vững chắc. Niềm tin không thể tạo dựng được một cách thiếu chân đế, niềm tin cần tạo lập dựa trên những cơ sở về sự ngưỡng mộ khả năng, tin tưởng vào thực lực, trân quý về tính cách, chấp nhận về uy tín...

Niềm tin, vị thế của người thầy trong lòng học trò không thể xây dựng trong ngày một ngày hai mà cần một chặng đường dài. Đây cũng là chặng đường gian khó, phức tạp, có cả mồ hôi, nước mắt và những sự hy sinh thầm lặng.

Vị thế người dạy thúc đẩy hiệu ứng giáo dục

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) khẳng định: Người thầy muốn có được vị thế trong lòng học trò cần “chinh phục” được niềm tin của các em, và từ đó tạo ra những hiệu ứng giáo dục lớn. Khi có sự ngưỡng mộ, tin tưởng với thầy cô, học trò sẽ tin tưởng vào năng lực của bản thân. Những lời uốn nắn của thầy cô sẽ có sức mạnh thuyết phục và chuyển hóa nhanh chóng theo chiều hướng tích cực.

Khi vị thế của người thầy được học sinh coi trọng các em sẽ hợp tác, chia sẻ và đồng hành. Con thuyền tri thức, việc dạy và học sẽ được chèo lái vững vàng hơn bởi có sự đồng điệu giữa thầy và trò. Dạy cũng là quá trình thầy học. Học trò có niềm tin thì sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết sẽ mạnh mẽ và dễ bộc lộ hơn.

Nhiều học sinh khẳng định, được gặp và học một người thầy mà vị thế người thầy đó luôn có trong lòng thì không chỉ hình thành niềm tin mà sự tương tác trong quá trình học tập và ngoài cuộc sống sẽ hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Khánh cũng tin tưởng quá trình gây dựng vị thế trong lòng học trò, mỗi người thầy sẽ tự biết mình phải làm cách nào để thành công. Nghệ thuật của người thầy ở sự thích ứng, sự uyển chuyển và linh hoạt. Người thầy không thể áp đặt một phong cách, suy nghĩ của mình lên học trò. Người thầy có vị thế là phải biết lắng nghe, chia sẻ, và thậm chí dám hạ cái tôi cá nhân để học hỏi, xin lỗi học trò khi cần thiết…

Vị thế của người thầy không có được khi chỉ gồng mình để chứng tỏ sự giỏi giang hay sâu sắc. Vị thế cũng không được tạo lập bởi sự giao đãi hay ngọt ngào giả tạo. Vị thế của người thầy trong học trò phải được dựng xây bởi tình thương, trách nhiệm, kỷ cương, khả năng chuyên môn, sự bao dung, nhẫn nại…

Để đổi mới toàn diện giáo dục thành công, không chỉ đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà cần đổi mới cả người thầy trong chuyên môn, phương pháp giáo dục. Sự đổi mới phải đi từ nội lực, suy nghĩ, hành động và biết chấp nhận cái mới... Nâng cao vị thế người thầy phải cả bằng tri thức, kỹ năng và bản lĩnh bên cạnh việc hạ thấp bản thân khi cần để đạt được những kết quả, giá trị đích thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ