Liên danh Vietur 'bước tiếp' ở gói thầu 35.000 tỷ đồng Dự án Sân bay Long Thành:

Năng lực tài chính của các thành viên có gì nổi bật?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Liên danh Vietur vừa bước tiếp vào vòng trong gói thầu 35.000 tỷ đồng Dự án Sân bay Long Thành.

Tiền mặt tại Phục Hưng Holdings (PHC) chưa đến 1% tổng tài sản.
Tiền mặt tại Phục Hưng Holdings (PHC) chưa đến 1% tổng tài sản.

Liên danh Vietur vừa bước tiếp vào vòng trong gói thầu 35.000 tỷ đồng Dự án Sân bay Long Thành. Vì vậy, năng lực tài chính của các thành viên trong liên danh đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tiền mặt nhỏ giọt

Đầu tháng 8, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư Dự án Sân bay Long Thành đã có thông báo Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi thông tin này được công bố, liên danh Hoa Lư (một đối thủ bị loại hồ sơ gói thầu) đã gửi đơn khiếu nại.

Từ đây, “sức khỏe” và năng lực của các thành viên trong liên danh Vietur trở thành tâm điểm của thị trường. Đặc biệt, hai nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Phục Hưng Holdings (PHC) đang gây ngạc nhiên với bức tranh tài chính thể hiện nhiều điểm “gợn”.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của PHC cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 390 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng, tương đương 34,9% so với quý II/2022. Trong kỳ, do giá vốn hàng bán tăng mạnh 100 tỷ đồng, tương đương 38,9% lên 357 tỷ đồng, kèm theo đó, chi phí tài chính có biến động lớn khiến lợi nhuận sau thuế cuối quý II/2023 sụt giảm sâu còn 2,5 tỷ đồng (quý trước là 5,6 tỷ đồng).

Tại thời điểm ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền tại Phục Hưng Holdings chỉ còn 18,4 tỷ đồng, giảm 60% so với đầu năm. Ngoài ra, công ty còn khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 2,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tiền mặt chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tài sản khi chưa đến 1%. Bên cạnh đó, phần lớn tài sản của Phục Hưng Holdings được hình thành ở các khoản phải thu. Chỉ tiêu các khoản phải thu ngắn hạn cuối quý II/2023 là 1.551 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 1.318 tỷ đồng hồi đầu năm và chiếm gần 50% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, Phục Hưng Holdings liên tục tăng cường vay nợ. Cuối tháng 6/2023, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 1.160 tỷ đồng, tăng 248 tỷ đồng, tương đương 26,8% so với đầu năm 2023. Chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm tăng 6 tỷ đồng, tương đương 28% lên hơn 15 tỷ đồng.

Ở bảng lưu chuyển tiền tệ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 275 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 49,2 tỷ đồng hồi đầu năm 2023. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm 230 triệu đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là 247 triệu đồng. Song, bằng đó là chưa đủ bù đắp được cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Vì vậy, cuối quý II/2023, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Phục Hưng Holdings vẫn âm 28 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 luôn trong tình trạng âm.

Dòng tiền kinh doanh tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 luôn trong tình trạng âm.

CC1 thua lỗ, tài sản giảm

Cũng là một thành viên trong liên danh Vietur, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) cũng cho thấy một bức tranh tài chính không mấy khả quan. Trong quý II/2023, hoạt động kinh doanh của CC1 xấu đi. Bên cạnh doanh thu sụt giảm, chi phí lãi vay tăng cao đã khiến công ty thua lỗ.

Cụ thể, trong quý II/2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của CC1 đạt 1.237 tỷ đồng, giảm 355 tỷ đồng, tương đương 22,3% so với quý II/2022; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.782 tỷ đồng, giảm 985 tỷ đồng, tương đương 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, CC1 nỗ lực tiết giảm chi phí. Chi phí bán hàng giảm từ 14,6 tỷ đồng xuống 391 triệu đồng. Thế nhưng, chi phí lãi vay quá cao đã xóa đi những nỗ lực kể trên. Trong quý II/2023, chi phí tài chính giảm từ 136 tỷ đồng xuống 132 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay lại tăng từ 104 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm chi phí tài chính giảm từ 209 tỷ đồng xuống 197 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay lại tăng từ 180 tỷ đồng lên 189 tỷ đồng.

Kết quả trong quý II/2023, CC1 thua lỗ 2,5 tỷ đồng dù quý II/2022 lãi 13,3 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế giảm 23,9 tỷ đồng, tương đương 80,5% xuống 5,8 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của CC1 chỉ đạt 14.415 tỷ đồng, giảm 1.168 tỷ đồng, tương đương 7,5% so với cuối năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng nhất cho hoạt động là tiền giảm mạnh nhất.

Hồi cuối quý II/2023, tiền và các khoản tương đương tiền tại CC1 chỉ còn 897 tỷ đồng, giảm 742 tỷ đồng, tương đương 45,3%. Đứng sau tiền, về tốc độ giảm là các khoản phải thu ngắn hạn giảm 395 tỷ đồng, tương đương 5,4% xuống 6.906 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 273 tỷ đồng, tương đương 27,1% xuống 733 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả sụt giảm nhẹ, từ 11.421 tỷ đồng xuống 10.363 tỷ đồng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn, lên đến 79,2%. Có thể thấy, hoạt động của CC1 chủ yếu được tài trợ bởi nợ. Trong nợ phải trả, nợ vay là con số nổi bật. Tổng nợ vay tại CC1 đạt 6.629 tỷ đồng, cao gấp 1,64 lần vốn chủ sở hữu.

Về dòng tiền, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm 814 tỷ đồng; lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm 501 tỷ đồng. Đáng chú ý, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính dương 574 tỷ đồng vẫn không thể bù đắp khiến lưu chuyển tiền thuần trong năm vẫn âm 742 tỷ đồng.

Liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas thuộc IC Holding. Đây là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động từ năm 1969. Ngoài IC Holding dẫn dắt, các đơn vị còn lại trong Liên danh Vietur đều là doanh nghiệp nội gồm Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), ATAD, Vinaconex, Hawee cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và Phục Hưng Holdings.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ