Tiến độ Dự án Sân bay Long Thành có bị 'ghìm' vì thiếu nhà thầu đủ tiêu chí?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vướng mắc tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và giá gói thầu có thể tiếp tục là yếu tố 'ghìm' tốc độ hoàn thành Dự án Sân bay Long Thành.

Dự án Sân bay Long Thành mở rộng. Ảnh: Internet
Dự án Sân bay Long Thành mở rộng. Ảnh: Internet

Đây cũng là thử thách đối với chủ đầu tư cùng cơ quan chức năng…

Chưa có tiền lệ

Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (gọi tắt là Dự án Sân bay Long Thành) được khởi công vào tháng 1/2021 do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án được chia thành nhiều giai đoạn với nhiều gói thầu khác nhau. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 1 dài 4.000m, rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động, đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 109.111 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Về mặt bằng, hiện UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao với tỷ lệ đạt 97,6% so với kế hoạch, tương đương diện tích 1.770/1.810 ha.

Với khu vực dự trữ đất, UBND huyện Long Thành cũng đã bàn giao được tỷ lệ 92% so với kế hoạch, tương đương diện tích 664/722 ha.

Để bảo đảm tiến độ xây dựng, chủ đầu tư đã chủ động làm việc xuyên Tết, huy động tối đa trang thiết bị dùng cho thi công. Một số hạng mục như đóng cọc nhà ga hành khách vượt tiến độ 1 tháng. Khối lượng đào đắp tính đến trung tuần tháng 1 đạt gần 50 triệu mét khối. Ngoài ra, các dự án thành phần 1, 2, 4 dự kiến đảm bảo khởi công đúng tiến độ.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất tại Dự án Sân bay Long Thành là Gói thầu số 5.10: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách thuộc Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án do xuất hiện các tình huống được cho là “chưa có tiền lệ”.

Gói thầu có giá trị trên 35.200 tỉ đồng, nhưng không chọn lựa được nhà thầu nên phải tổ chức đấu lại, dẫn đến nguy cơ dự án không bảo đảm tiến độ. Gói thầu 5.10 mời thầu lần thứ nhất vào tháng 9/2022.

Tuy nhiên, hồ sơ của tất cả các nhà thầu tham gia không đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Do không có nhà thầu nào trúng, tháng 1/2023, ACV tiếp tục mời thầu lần 2. Thời gian đóng thầu dự kiến là ngày 28/3/2023.

Điểm mấu chốt khiến lần chào thầu thứ nhất bị hủy được xác định là xuất hiện một số tình huống chưa có tiền lệ. Cụ thể, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải đáp ứng tiêu chí từng tham gia gói thầu tương đương và thời gian hoàn thành là 33 tháng. Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc ACV, thừa nhận về tiêu chí mời thầu của chủ đầu tư là khá khó.

Ông Bình lấy ví dụ như tiêu chí về hợp đồng tương đương là phải có kinh nghiệm thi công ít nhất một hợp đồng tương tự. Nhưng ở Việt Nam có rất ít công trình như Sân bay Long Thành. Thứ hai là thời gian thi công công trình chỉ 33 tháng được cho là rất khẩn trương, ít nhà thầu nào dám tham gia.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng ACV, cho biết: Chi tiết về thời gian thi công công trình dự kiến sẽ được tăng thêm, nhưng vẫn phải bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Thử thách lớn

Tại thời điểm khởi công năm 2021, Dự án Sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Nhưng đến nay, Gói thầu số 5.10 chào thầu lần thứ 2 đến hết quý I/2023 mới đóng. Công tác chấm thầu và lựa chọn nhà thầu thế nào vẫn là nút thắt không dễ tháo gỡ.

Có ý kiến cho rằng, nếu cơ quan chức năng không cho phép chủ đầu tư gỡ nút thắt về tiêu chí thì dự án khó lòng về đích theo dự kiến.

Theo Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, so sánh quy mô mở rộng Sân bay Nội Bài, Hà Nội với Sân bay Long Thành thì Sân bay Nội Bài chỉ bằng 1/3 Long Thành.

Thời gian thi công phần mở rộng Sân bay Nội Bài hết 36 tháng mới xong. Vì vậy, ép tiến độ Sân bay Long Thành chỉ có 33 tháng là không khả thi. Ngoài ra, đơn giá dự kiến gói thầu quá thấp nên nhiều đơn vị không tham gia đấu thầu.

Để gỡ những vướng mắc trên và tiêu chí mời thầu, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đề xuất: Ưu tiên các nhà thầu mạnh trong nước liên danh với các nhà thầu nước ngoài nhằm tận dụng kinh nghiệm thi công các hợp đồng tương tự, đồng thời sử dụng được năng lực thi công của các nhà thầu trong nước.

Đề xuất trên được Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam căn cứ trên thực tế là liên danh nhà thầu trong nước có mối liên kết lỏng lẻo, không có cơ chế cụ thể về phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn giữa các nhà thầu có thể phát sinh những vấn đề gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Trong bối cảnh hiện tại, giải pháp này có thể “lách” được tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, song bức tranh giữa liên danh các nhà thầu trong nước và nước ngoài hiện vẫn chưa rõ ràng khi chỉ còn gần 2 tháng nữa sẽ đóng thầu lần 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.