Nâng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên: Cơ hội bứt phá!

Nâng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên: Cơ hội bứt phá!

Điều này, giúp người học khi ra trường hội nhập với thị trường lao động đầy cạnh tranh, thúc đẩy giảng viên tự đổi mới, đồng thời góp phần khẳng định thương hiệu của đơn vị.

Khởi đầu đầy chông gai

Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM (TDTU) áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh TOEIC 500 từ năm 2008. Theo ThS Trịnh Thái Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ sáng tạo TDTU, trước khi áp dụng chuẩn tiếng Anh theo quốc tế, việc đào tạo tiếng Anh của TDTU gặp nhiều khó khăn: Chương trình chưa được chuẩn hóa; GV và SV không có mục tiêu cũng như chiến lược dạy học tiếng Anh; SV không có động lực học ngoại ngữ do nền tảng tiếng Anh ở bậc THPT còn yếu.

"Khi nhà trường công bố áp dụng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, đa số SV phản ứng vì sợ khó, sợ khổ trong việc rèn luyện. Nhà trường tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để tạo môi trường học tập tiếng Anh hiệu quả, đồng thời giúp SV nhận thức được tầm quan trọng của môn học này trong môi trường toàn cầu hóa..." - ThS Trịnh Thái Văn Phúc chia sẻ.

Tại Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, việc áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh thuận lợi hơn nhưng không phải dễ dàng với tất cả SV. Khi trúng tuyển, SV sẽ tham dự kỳ thi xếp lớp do nhà trường tổ chức (trừ những SV đã nộp chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ TOEFL iBT tương đương). 

Sau đó, các em được xếp vào các lớp tiếng Anh tăng cường tương ứng với kết quả bài thi. Hiện nhà trường có hai chương trình tiếng Anh tăng cường: Chương trình của IU (theo hướng TOEFL iBT) và chương trình liên kết giữa IU và ĐH West of England (Anh). 

Sau khi hoàn thành chương trình tiếng Anh tăng cường (hoặc bổ túc chứng chỉ IELTS/TOEFL iBT), SV bắt đầu theo học tiếng Anh học thuật song song với chuyên ngành của mình.

Theo TS Nguyễn Huy Cường - Trưởng bộ môn Anh (IU), phần lớn SV chọn học tại IU đều ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh với quá trình học tập tại trường cũng như cơ hội nghề nghiệp sau này nên có động cơ học tập tốt. Tuy vậy, hành trình này vẫn gặp khó khăn do một số SV chưa đủ chuẩn tiếng Anh, phải đầu tư thêm thời gian, tiền bạc, công sức để bổ sung kiến thức, khiến chương trình học của các em bị kéo dài.

Tương tự, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (NLU) ban hành chuẩn đầu ra tiếng Anh từ năm 2011, có điều chỉnh vào năm 2015. Theo đó, chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường tương đương B1 theo chuẩn CEFR châu Âu (bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Theo ThS Đào Đức Tuyên - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ NLU, để đánh giá SV đạt chuẩn đầu ra, nhà trường định kỳ 2 tháng tổ chức thi đánh giá nội bộ dành cho SV từ năm thứ 3 trở đi. Đồng thời, trường cũng công nhận điểm thi của các bài thi quốc tế để xét đạt chuẩn đầu ra, gồm: TOEFL ITP 450, TOEFL iBT 57, TOEIC 450, IELTS 4.5 và PET 70.

"Trong quá trình áp dụng chuẩn đầu ra, thuận lợi thấy rõ nhất là SV có ý thức học tiếng Anh tốt hơn. Tuy nhiên, khó khăn là có SV phải thi nhiều lần mới đạt chuẩn của trường", ThS Đào Đức Tuyên cho biết.

Từng bước nâng chuẩn

Nâng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên: Cơ hội bứt phá! ảnh 1
SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM học tiếng Anh. Ảnh: NTCC.

Từ chuẩn đầu ra tiếng Anh TOEIC 500 (năm 2008), đến nay TDTU điều chỉnh chuẩn đầu ra theo IELTS 5.0. Để đạt được IELTS 5.0 khó hơn nhiều vì bài thi IELTS kiểm tra đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết (bài thi TOEIC chỉ kiểm tra 2 kỹ năng nghe và đọc). Đồng thời, ngôn ngữ của bài thi IELTS theo hướng học thuật (academic), trong khi ngôn ngữ của TOEIC là phổ thông.

Theo ThS Trịnh Thái Văn Phúc, trong quá trình nâng cấp chuẩn đầu ra tiếng Anh, TDTU chú trọng xây dựng chương trình học tiếng Anh với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và lựa chọn giáo trình chuẩn quốc tế nhưng phù hợp với SV Việt Nam. 

Ngoài ra, trường cũng tạo môi trường học tập, rèn luyện để SV nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ như: Hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, môi trường sử dụng 100% tiếng Anh…

"Trường luôn tạo điều kiện để SV ý thức việc xây dựng kế hoạch học tập và đạt năng lực tiếng Anh trước khi vào học các môn học chuyên ngành do tài liệu học tập của TDTU đều bằng tiếng Anh. Đây cũng là động lực giúp SV quyết tâm học tiếng Anh ngay từ năm thứ nhất. Nhờ đó, SV (TDTU) hệ tiêu chuẩn khi tốt nghiệp đều đạt trình độ tối thiểu B1 quốc tế; SV hệ chất lượng cao đạt trình độ B2 theo Khung năng lực ngôn ngữ châu Âu 6 bậc" - ThS Trịnh Thái Văn Phúc cho biết.

Để góp phần cải thiện năng lực tiếng Anh cho SV, TS Nguyễn Huy Cường cho rằng, bên cạnh đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản… IU còn có kênh hỗ trợ khác như Câu lạc bộ Nói tiếng Anh và đặc biệt là Trung tâm Hỗ trợ Viết học thuật. Đối với đa số SV, viết học thuật luôn là kỹ năng khó cần được luyện tập thường xuyên. 

Để được hỗ trợ, các em chỉ cần đặt lịch hẹn trực tuyến, sau đó đến gặp trực tiếp để được chuyên viên tư vấn (là GV kinh nghiệm của Bộ môn Anh ngữ). Ngoài ra, để kích thích việc học tiếng Anh, Bộ môn Anh ngữ còn tổ chức cuộc thi hùng biện hằng năm, thu hút nhiều SV thuộc các chuyên ngành khác nhau, trong cũng như ngoài IU.

Phía Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng triển khai nhiều giải pháp để kích thích việc học tiếng Anh cho SV, trong đó đẩy mạnh việc tự học online ngoài giờ học chính khóa. 

Theo ThS Đào Đức Tuyên, hiện có bộ giáo trình tiếng Anh của các NXB uy tín kèm theo tài khoản học online. Giá 1 quyển giáo trình gốc (in màu, giấy đẹp) đủ cho 7 tín chỉ học tại lớp có kèm theo tài khoản học online thời hạn ít nhất 1 năm chỉ khoảng 180.000 đồng đến 200.000 đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ