Nâng 'chất' trường dân tộc nội trú bảo đảm cả chất và lượng

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều trường PTDTNT gặp khó khăn trong phân công và thành lập tổ quản lý học sinh nội trú.

Giờ dạy học của cô trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NTCC
Giờ dạy học của cô trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NTCC

Số lượng cán bộ, giáo viên không đủ để dạy 2 buổi/ngày và phải kiêm nhiệm công việc quản lý học sinh là một thách thức lớn.

Khó khăn bố trí đội ngũ

Thầy Bùi Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23/2/2023 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT, trường được thành lập tổ quản lý học sinh.

Nhà trường đã đề nghị Sở GD&ĐT cho phép thành lập tổ này. Tuy nhiên, với tổng số 20 giáo viên, trường đã thành lập 2 tổ chuyên môn để hoạt động; do đó không còn đủ nhân lực để thành lập thêm tổ mới. Đặc biệt, giáo viên khi vào tổ quản lý học sinh sẽ mất phụ cấp đứng lớp 70% nên cũng gặp nhiều khó khăn.

“Hiện, nhà trường sắp xếp giáo viên kiêm nhiệm công tác quản lý học sinh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị trên tinh thần hỗ trợ, không có chế độ giảm giờ hay ưu đãi cho giáo viên.

Đặc biệt, trong giai đoạn triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên vừa giảng dạy, vừa tham gia trực quản lý học sinh, nên thầy cô rất áp lực. Nhà trường cũng còn thiếu một chức danh giáo vụ, nhưng theo quy định vị trí việc làm thì không có nhiệm vụ quản lý học sinh. Chưa kể vị trí này khó tuyển dụng vì lương thấp, công việc tương đối nhiều”, thầy Bùi Minh Hiếu trăn trở.

Tại Trường PTDTNT tỉnh Bắc Giang, tổ tư vấn chủ nhiệm, quản sinh được thành lập gồm một lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng, 1 tổ phó phụ trách tư vấn chủ nhiệm và 1 tổ phó phụ trách quản sinh. Thành viên trong tổ là giáo viên của trường có hưởng phụ cấp nội trú 0,3%.

“Giáo viên hưởng phụ cấp nội trú đều được giao kiêm nhiệm nhiệm vụ quản sinh. Triển khai Chương trình GDPT 2018, học sinh được lựa chọn môn học, giáo viên thuộc bộ môn nào ít học sinh lựa chọn sẽ tăng thêm giờ quản sinh. Liên quan đến vấn đề này, nhà trường mong muốn được bổ sung 1 vị trí việc làm là cán bộ quản sinh bởi việc này vô cùng cần thiết đối với trường nội trú”, thầy Nguyễn Danh Bắc đề xuất.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Danh Bắc, các thầy cô hoàn toàn làm kiêm nhiệm, nên vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa chăm lo, quản lý học sinh 24 giờ/ngày, công việc vô cùng vất vả, áp lực, nhưng chế độ, chính sách còn bất cập. Các mảng công tác chuyên môn, đảng, đoàn thể trong trường nội trú có khối lượng lớn, khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 công việc càng nhiều hơn, gây áp lực không nhỏ đến cán bộ quản lý nhà trường.

Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng khó khăn trong phân công tổ trực và quản lý học sinh ở nội trú. Lý do được thầy Hiệu trưởng Đinh Tiến Hoàng đưa ra là chế độ phụ cấp cho cán bộ, giáo viên thấp; nhiều giáo viên có con nhỏ, nhà xa, nên khi phân trực ảnh hưởng tới chăm lo gia đình…

Cần chế độ, chính sách tương xứng

Thầy Nguyễn Danh Bắc cho rằng, định mức giờ dạy của giáo viên và giờ kiêm nhiệm đối với trường PTDTNT chưa phù hợp. Giáo viên chủ nhiệm ở trường PTDTNT chỉ được giảm 4 tiết/tuần như giáo viên chủ nhiệm trường phổ thông. Trong khi đó, ở trường nội trú, thầy cô như thay cha mẹ học sinh, thời gian quản lý và trách nhiệm cao hơn. Do đó, đề nghị giảm tiết cho giáo viên chủ nhiệm trường PTDTNT là 6 tiết/tuần.

Trường PTDTNT tỉnh Bắc Giang tập huấn về giáo dục hướng nghiệp. Ảnh: NTCC

Trường PTDTNT tỉnh Bắc Giang tập huấn về giáo dục hướng nghiệp. Ảnh: NTCC

Tương tự, giáo viên kiêm nhiệm công tác đoàn ở trường PTDTNT cũng giảm tiết, trong khi các hoạt động đa dạng, phong phú hơn nhiều so với trường phổ thông. Đề nghị giảm tiết dạy cho giáo viên làm công tác đoàn trường PTDTNT bằng 1,5 lần so với trường phổ thông. Nhân viên hành chính ở trường nội trú vất vả hơn nhiều so với các trường phổ thông nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù trường nội trú. Do đó, cần bổ sung phụ cấp nội trú cho nhân viên được hưởng 0,3 như giáo viên.

Thầy Nguyễn Danh Bắc cũng đề nghị tăng tỷ lệ giáo viên/lớp như tỷ lệ ở trường chuyên (3,1 giáo viên/lớp); đồng thời có hướng dẫn cụ thể về dạy 2 buổi/ngày đối với trường PTDTNT.

Từ thực tiễn Trường PTDTNT tỉnh Vĩnh Long, thầy Bùi Minh Hiếu đề nghị Bộ GD&ĐT có quy định cụ thể về việc thành lập tổ quản lý học sinh. Cùng đó, Bộ GD&ĐT cần quy định cụ thể định mức giờ dạy được giảm/tuần phù hợp với giáo viên kiêm nhiệm trực quản lý học sinh; có chế độ, chính sách khuyến khích, đãi ngộ cho giáo viên kiêm nhiệm trực quản lý học sinh.

Chia sẻ giải pháp khắc phục khó khăn của Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, thầy Đinh Tiến Hoàng cho biết, nhà trường luôn chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên; khích lệ, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ để nâng cao chuyên môn thông qua các kì thi giáo viên giỏi, tiết dạy bài hay, bài khó trong sinh hoạt chuyên môn; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng dạy học theo Chương trình GDPT mới.

Cùng với nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hạnh phúc để giáo viên yên tâm cống hiến, nhà trường quan tâm chăm lo cho đời sống mỗi thầy cô; quan tâm đến cuộc sống gia đình, tạo điều kiện phù hợp thuận lợi hài hoà giữa việc trường và nhà.

“Trường có chính sách hỗ trợ cho giáo viên kiêm nhiệm công việc quản lý học ngoài giờ chính khóa như cung cấp thêm thời gian, nguồn lực để giảm áp lực cho thầy cô trong chăm sóc thời gian học sinh ăn, ở, sinh hoạt tại trường.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các giáo viên trong huyện và bổ sung giáo viên mới, bằng cách tăng cường quảng bá về các chính sách hấp dẫn như chế độ đãi ngộ và phúc lợi, cũng như tạo ra môi trường làm việc thuận tiện khi đến với loại hình trường PTDTNT”, thầy Đinh Tiến Hoàng chia sẻ.

Theo thầy Đinh Tiến Hoàng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An): Việc quản lý học sinh khó khăn bởi các em ở xa gia đình, hay trốn học, mải chơi, ăn ở chưa gọn gàng; ứng xử giữa học sinh trong phòng chưa tốt. Mỗi lần như vậy, cán bộ, giáo viên lại làm thêm nhiệm vụ của thành viên tổ tư vấn, giải quyết giúp học trò các vấn đề tự học sinh chưa biết tháo gỡ.

Tiểu dự án 1, dự án 5 của Chương trình 1719 đã được phê duyệt, đã đề ra mục tiêu đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiểu dự án nhằm củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.