Quy hoạch, đầu tư thế nào để nâng 'chất' trường dân tộc nội trú?

GD&TĐ - Hệ thống trường PTDTNT được xem như cái nôi tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số.

Cơ sở vật chất ký túc xá học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh Nghệ An đã xuống cấp.
Cơ sở vật chất ký túc xá học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh Nghệ An đã xuống cấp.

Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình GDPT mới… thì cần thiết quy hoạch lại tổng thể hệ thống trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất.

Nhu cầu đồng bộ cơ sở vật chất

Trường PTDTNT THPT tỉnh Nghệ An là ngôi trường đầu tiên trong hệ thống các trường PTDTNT của địa phương này. Xây dựng từ năm 1984, đây là ngôi trường đặc thù bởi quy tụ học sinh nhiều thành phần dân tộc nhất tỉnh (Mông, Thái, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu, Đan Lai…).

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, những năm qua, tập thể nhà trường luôn nỗ lực triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục, thực hiện vai trò chức năng của trường DTNT. Nhà trường đã hoàn thành công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2; đánh giá ngoài mức độ 3; hoàn thành xuất sắc kế hoạch thí điểm xây dựng trường trọng điểm giai đoạn 2019 - 2023…

“Trong quy hoạch tổng thể của nhà trường còn dãy nhà 5 tầng gồm phòng học và các phòng chức năng nhưng đến nay chưa có ngân sách triển khai. Thư viện thiếu sách, máy tính để phát triển thư viện điện tử. Bàn ghế đã lâu cũng chưa được thay mới.

Đặc biệt là cơ sở vật chất khu ký túc xá như giường tầng, hệ thống điện nước… đã xuống cấp do sử dụng lâu năm khiến điều kiện sinh hoạt của học sinh chưa đảm bảo ở mức tốt nhất”, cô Hoa chia sẻ.

Trường có 19 phòng học đã trang bị tivi để phục vụ dạy học bằng nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, dãy nhà 5 tầng xây dựng mới bằng nguồn ngân sách tỉnh, thay thế cho dãy phòng học 3 tầng đã xuống cấp, hư hỏng.

Tuy nhiên, do xây dựng cách đây 40 năm nên cơ sở vật chất cũ kỹ, không phù hợp, khó đảm bảo thực hiện đổi mới giáo dục, các thiết bị để phục vụ dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới hầu như chưa đảm bảo.

Đại diện Trường PTDTNT THPT tỉnh Nghệ An mong muốn ngành Giáo dục tham mưu các cấp chính quyền, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và đội ngũ cho nhà trường. Qua đó tạo điều kiện cho các trường PTDTNT, nhất là trường THPT DTNT tỉnh đang thực hiện xây dựng trường trọng điểm phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong 8 trường PTDTNT của Nghệ An, thì Trường PTDTNT THCS Con Cuông chưa được xây dựng cơ sở vật chất. Trước đó, năm 2018, lũ lụt gây hư hỏng, thiệt hại nghiêm trọng, trường phải di dời khỏi vị trí cũ để đảm bảo an toàn. Từ đó đến nay, thầy trò nhà trường phải dạy học nhờ trường, lớp và xây dựng khu nội trú tại 2 đơn vị khác trên địa bàn huyện.

Ông Lê Thanh An - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông - thông tin, từ cuối năm 2022 nguồn vốn xây dựng trường DTNT THCS huyện đã được bố trí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia. Quy hoạch, thiết kế đã có nhưng đang chờ đấu thầu theo quy định mới triển khai xây dựng. Phòng cũng tham mưu và có nhiều ý kiến đến các cấp chính quyền để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường DTNT THCS huyện.

Những vướng mắc từ thực tiễn

Từ năm 2011, thực hiện Quyết định số 1640/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT, Nghệ An từ 1 trường PTDTNT đã phát triển thành 8 trường. Bao gồm 2 trường THPT và 6 trường THCS ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn. Các trường này mỗi năm có hàng trăm lớp với tổng số hơn 3 nghìn học sinh ở nhiều thành phần dân tộc.

Học sinh lớp 6 Trường PT DTNT THCS huyện Quế Phong, Nghệ An được hướng dẫn quy định sinh hoạt tập thể.

Học sinh lớp 6 Trường PT DTNT THCS huyện Quế Phong, Nghệ An được hướng dẫn quy định sinh hoạt tập thể.

Nhiều trường từng bước được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu người học như Trường PTDTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An, Trường PTDTNT THCS Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong…

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh Nghệ An, cũng như chỉ đạo chuyên môn của Sở GD&ĐT, hệ thống các trường PTDTNT những năm qua có vai trò lớn trong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó, đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tạo điều kiện để học sinh vùng miền núi, sâu xa được học và chăm sóc trong môi trường giáo dục toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Châu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu - thông tin, 10 năm qua, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành 1 chương trình, 2 đề án các giai đoạn 2010 - 2015; 2015 - 2020; 2020 - 2025 về nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung vào các nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục toàn diện trung hạn, dài hạn; huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... Trong đó, chỉ đạo thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các đề án thành lập trường PTDTNT THCS.

Tuy nhiên, qua nhiều năm hoạt động, đặc biệt từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, một số đơn vị gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt là cơ sở vật chất, thiết bị không đảm bảo. Mặt khác, do học sinh các trường này đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nên việc vận động xã hội hóa, tài trợ giáo dục vô cùng khó khăn.

Ngoài cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư xây dựng, thì các thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy học chủ yếu được lãnh đạo các nhà trường linh hoạt kêu gọi, huy động từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - ông Lô Thanh Nhất - cũng cho rằng, từ khi các trường PTDTNT THCS được phân cấp về địa phương quản lý trực tiếp đã tạo nhiều thuận lợi. Các vấn đề như đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, giải quyết vấn đề thực tiễn nảy sinh được kịp thời kiến nghị, có giải pháp, phương hướng giải quyết.

Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn chủ yếu về đội ngũ. Theo đó, trước đây khi các trường PTDTNT THCS do sở GD&ĐT quản lý trực tiếp, thì quỹ biên chế do sở phân bổ. Khi giao về địa phương, thì nhân sự của trường nằm trong quỹ biên chế huyện. Trong khi huyện phải cân đối đội ngũ cho tất cả trường học trên địa bàn, và dù ưu tiên cho trường DTNT cũng phải tính toán tới tổng thể.

Nghệ An sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch lại các trường PTDTNT phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc thiểu số, nhu cầu tạo nguồn cán bộ, nhân lực. Đối với 8 trường PTDTNT hiện có, cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với đối tượng.

Cùng đó, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các hạng mục được phê duyệt chưa hoàn thành. Trong đó, Trường PTDTNT THPT tỉnh Nghệ An, một trong 5 trường THPT trọng điểm chất lượng cao của tỉnh, được quan tâm, đầu tư để trở thành đầu tàu, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các trường nội trú. - Ông Thái Văn Thành (Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An)

Tiểu dự án 1, dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, gia đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đã được phê duyệt, đã đề ra mục tiêu đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiểu dự án nhằm củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ