Nhận diện khó khăn với mô hình trường dân tộc nội trú

GD&TĐ -  Trải qua thực tế mô hình trường dân tộc nội trú bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với yêu cầu mới.

Cô Hà Bích Ngọc (thứ ba từ phải sang), Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT miền Tây (Nghĩa Lộ, Yên Bái) tham gia ngày hội văn hóa đọc sách. Ảnh: NTCC
Cô Hà Bích Ngọc (thứ ba từ phải sang), Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT miền Tây (Nghĩa Lộ, Yên Bái) tham gia ngày hội văn hóa đọc sách. Ảnh: NTCC

Các trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT) với chức năng, nhiệm vụ đã khẳng định được vị thế, phát huy vai trò trong việc huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… Tuy nhiên, trải qua thực tế mô hình này bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với yêu cầu mới.

Đối diện thách thức

Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An thành lập từ năm 1984 với hơn 95% học sinh người dân tộc thiểu số. Năm học 2023 – 2024, trường đón 270 học sinh lớp 10 gia nhập “mái nhà nội trú”. Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Đặc thù trường DTNT có nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng xa xôi, điều kiện đi lại, kinh tế - xã hội khó khăn.

Những trở ngại này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục toàn diện. Mặt khác, chất lượng đầu vào các môn văn hóa của học sinh còn thấp, chưa đồng đều. Kỹ năng đọc hiểu, tính toán, tự học và trao đổi, chia sẻ, học tập theo cặp, nhóm của học sinh chưa tốt; tinh thần, ý chí và khát vọng học tập của các em cũng không cao.

“Một phần nguyên nhân đến từ việc gia đình các em khó khăn, cha mẹ bận công việc mưu sinh nên chưa thực sự chú trọng, động viên con cái học hành. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, nhiều em không nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học nên chểnh mảng, mải chơi. Ngoài ra, phần lớn học sinh phải xa nhà đi học, thiếu sự quan tâm, chăm sóc hàng ngày của cha mẹ…”, cô Hoa cho hay.

Từ những khó khăn trong điều kiện sống và học tập, cô Hoa nhìn nhận một bộ phận học sinh thiếu tự tin, tự lực, ngại khó, tâm lý e dè, mặc cảm, khó hoà nhập khi đến trường. Trong khi bước vào môi trường cấp 3 đòi hỏi sự tự lập, sáng tạo, chủ động trong học tập lẫn sinh hoạt… nên các em cảm thấy lo lắng, sống khép mình, ngại trao đổi với thầy cô và bạn bè.

Trở ngại khác mà thầy cô Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An ghi nhận là giao tiếp giữa giáo viên và học sinh hạn chế. Học sinh đến từ nhiều thành phần dân tộc như Thái, Mông, Khơ mú... có ngôn ngữ, văn hóa riêng; chơi, sinh hoạt theo các nhóm dân tộc khác nhau.

Dù các em vẫn sử dụng tiếng Kinh để trò chuyện với thầy cô, bạn bè nhưng còn có khoảng cách. Điều đó đòi hỏi thầy cô, nhà trường chủ động tiếp cận, trao đổi để các em cởi mở hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và giáo dục kỹ năng sống và quản lý nội trú.

Nêu lên những khó khăn từ Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An gặp phải song cô Hoa cũng nhìn nhận đây là thách thức chung của các trường PTDTNT và giáo dục dân tộc. Do đó các trường DTNT cần nhận diện đầy đủ khó khăn, thách thức, nguyên nhân để tìm ra giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa (giữa), Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An tham quan triển lãm về văn hóa dân tộc của học sinh nhà trường. Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa (giữa), Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An tham quan triển lãm về văn hóa dân tộc của học sinh nhà trường. Ảnh: NTCC

Giáo viên “một vai hai gánh”

Đồng quan điểm với chia sẻ của Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, cô Hà Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT miền Tây (Nghĩa Lộ, Yên Bái) cũng trăn trở trước những rào cản của giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nằm ở thị xã Nghĩa Lộ, trường có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giảng dạy văn hóa cho học sinh khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái.

100% học sinh là người dân tộc Mông, Dao, Mường, Tày, Phù Lá... sống tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, trình độ nhận thức, kỹ năng sống, khả năng giao tiếp… của các em và gia đình còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong cộng đồng còn những hủ tục gây ảnh hưởng đến ý thức, lối sống, văn hóa của học sinh như bắt vợ, tảo hôn...

Cô Ngọc chia sẻ, trong các gia đình ý thức về “con chữ” chưa cao, phó mặc việc học tập của con em cho nhà trường. Thậm chí, tình trạng học sinh bỏ, nghỉ học giữa chừng diễn ra khá phổ biến. Việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, chăm sóc học sinh gặp nhiều hạn chế.

Học sinh ở trường cả tuần, thậm chí nhiều tháng mới về nhà nên giáo viên ngoài công tác giảng dạy còn kiêm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc học sinh. Các thầy cô đã đồng hành, chăm lo cho nhiều thế hệ học sinh từ ăn, mặc, phong cách, tác phong sinh hoạt...

Ở trên lớp, thầy cô là giáo viên nhưng sau tiếng trống tan học, họ trở thành cha, mẹ thứ hai của học trò, do đó khối lượng công việc, áp lực trách nhiệm nặng nề, lớn lao hơn rất nhiều. Nhưng khi đã chọn gắn bó với dạy học ở trường nội trú, các thầy cô đều cố gắng hoàn thành hết khả năng, trách nhiệm để học trò nhận được những điều tốt đẹp nhất.

Trường PTDTNT THCS – THPT Cao Lộc nằm tại huyện biên giới Cao Lộc (Lạng Sơn) với đặc thù đào tạo cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số hai cấp học. Năm học này, nhà trường có 14 lớp với 408 học sinh, đến từ các dân tộc Tày, Nùng, Dao.

Cô Nguyễn Tuyết Chinh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học sinh được xét tuyển vào trường dựa trên kết quả học tập ở các trường tiểu học thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện nên chất lượng đầu vào thấp. Cùng đó, đối tượng học sinh ở lứa tuổi nhỏ, kỹ năng sống tự lập còn hạn chế, lại là trường liên cấp… nên thầy cô phải căn cứ vào đặc điểm học sinh để có các phương pháp giáo dục hiệu quả.

Mặt khác, giáo viên vừa giảng dạy vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý học sinh nội trú nên có ít thời gian để tự nghiên cứu, học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đáng nói, dù đã bước sang năm thứ 2 triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT nhưng năm học 2023 – 2024 trường vẫn thiếu 3 giáo viên ở các bộ môn Địa lý, Sinh học và Lịch sử.

Trước những thách thức trên, cô Chinh cho biết: Nhà trường phải tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm các yêu cầu về phương pháp và kỹ thuật dạy học; sử dụng hiệu quả học liệu, thiết bị dạy học nhằm phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.

Đồng thời, đẩy mạnh vận dụng các phương pháp thực hành trong môn học, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, thực hành, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Bên cạnh đó, để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình như hũ gạo tình thương, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình tiếp bước em đến trường để học trò an tâm học tập.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT miền Tây (Nghĩa Lộ, Yên Bái) biểu diễn văn nghệ. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT miền Tây (Nghĩa Lộ, Yên Bái) biểu diễn văn nghệ. Ảnh: NTCC

Không để “cái khó bó cái khôn”

Để nâng cao chất lượng các trường PTDTNT nói riêng, lĩnh vực giáo dục dân tộc nói chung, cô Hà Bích Ngọc cho rằng, trước hết cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Các trường cần tạo mọi điều kiện, cơ hội cho thầy cô nâng cao trình độ, năng lực, nhất là đáp ứng việc đổi mới giáo dục; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Muốn được điều đó, nhà trường cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo phong phú, đa dạng, phù hợp lứa tuổi học sinh; các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, tăng cường năng lực giao tiếp cho học sinh. Song song với hoạt động giảng dạy cần tổ chức các câu lạc bộ, đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất, văn hóa, văn nghệ trong nhà trường.

Về phương pháp giảng dạy, cần thực hiện đổi mới theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Thầy cô tổ chức đa dạng hình thức dạy học, nâng cao nhận thức việc dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để phát hiện thế mạnh của học trò, từ đó bồi dưỡng và hướng nghiệp cho các em sát với năng lực bản thân.

Cô Ngọc cũng lưu ý, trong bối cảnh hội nhập cần ưu tiên nâng cao chất lượng học ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh), cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nâng cao kỹ năng công nghệ cho cán bộ giáo viên, học sinh...

Dành nhiều thời gian chia sẻ về tầm quan trọng của hướng nghiệp cho học sinh trường nội trú, cô Ngọc cho rằng: “Các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường”.

Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, cô Kiều Hoa cũng chỉ ra thực trạng trình độ học sinh còn yếu, chưa đồng đều nên một trong những mục tiêu quan trọng của trường là nâng cao chất lượng học tập.

Theo đó, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh soạn bài, trả lời câu hỏi kĩ càng trước khi lên lớp, khuyến khích tinh thần chủ động, tự trau dồi kiến thức. Thay vì chỉ giao nhiệm vụ theo sách giáo khoa, giáo viên đổi mới hình thức bài tập bằng cách sử dụng phiếu hướng dẫn học sinh với các yêu cầu cụ thể, vừa sức.

Trên lớp, thầy cô kiểm tra, đánh giá sát sao, hỗ trợ học sinh giải quyết từng vướng mắc nhỏ nhưng không để các em cảm thấy áp lực. Theo dõi sát sao tiến độ của từng học sinh, giáo viên sẽ phân lớp thành các nhóm đối tượng theo năng lực để dạy học và ôn luyện. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức hoạt động hỗ trợ học tập theo cặp, nhóm, câu lạc bộ học tập và khuyến khích học sinh đọc sách tại thư viện để hình thành thói quen, văn hóa đọc…

Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 với giáo dục dân tộc trong đó lưu ý ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường dự bị đại học.

Tiểu dự án 1, dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, gia đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đã được phê duyệt, đã đề ra mục tiêu đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiểu dự án nhằm củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...