Nâng chất lượng mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú được tăng cường đầu tư để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số vùng cao.

Các trường PTDTNT, PTDTBT từng bước khẳng định vị thế về chất lượng giáo dục
Các trường PTDTNT, PTDTBT từng bước khẳng định vị thế về chất lượng giáo dục

Đảm bảo công bằng trong giáo dục

Trường phổ thông dân tộc nội trú là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng DTTSMN.

Trường phổ thông dân tộc bán trú, với tiền thân là mô hình trường nội trú dân nuôi đã hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trường PTDTBT được chính thức công nhận từ khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 15 tháng 12 năm 2009 và hiện nay là Luật Giáo dục năm 2019.

Những năm qua, các trường PTDTNT, PTDTBT từng bước khẳng định vị thế về chất lượng giáo dục ở vùng DTTSMN. Các trường PTDTNT, PTDTBT khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thầy Võ Thành Nguyên-Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Nhà trường được thành lập năm 1992 nhằm đào tạo nguồn nhân lực DTTS chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh của địa phương. Đối tượng tuyển sinh của trường là con em DTTS, trong đó học sinh dân tộc Bahnar và Jrai chiếm 90%; chỉ tiêu xét tuyển dành 80% cho học sinh các trường PTDTNT và 20% từ các trường THCS khác.

Bên cạnh thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông, trường còn chú trọng triển khai các nội dung giáo dục đặc thù, trong đó có hoạt động giáo dục văn hóa DTTS. Việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh DTTS được nhà trường quan tâm, phân hóa theo năng lực học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình bậc THPT.

Nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cũng được thường xuyên tổ chức trong năm học nhằm giáo dục truyền thống, phát triển năng lực học sinh như: hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, đêm thơ, nhạc, ngày hội đọc sách, triển lãm ảnh, ngoại khóa về an toàn giao thông, an ninh học đường.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Gia Lai, những năm qua, hoạt động chuyên môn các trường PTDTNT, PTDTBT trên toàn tỉnh được quan tâm tổ chức thực hiện. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh. Các hoạt động giáo dục ngoại khóa được tăng cường, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Cùng với đó, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh ở các trường PTDTNT, PTDTBT được quan tâm; duy trì ổn định hoạt động của bếp ăn tập thể, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Học sinh vùng sâu, vùng xa được trực tiếp hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, đảm bảo công bằng trong giáo dục vùng miền.

Học sinh Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai

Học sinh Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, trải qua thời gian, cùng với sự phát triển cũng như biến động về kinh tế - xã hội của đất nước, mô hình trường PTDTNT và PTDTBT bắt đầu bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục và đổi mới để phù hợp với yêu cầu mới, cụ thể là giai đoạn 2021-2030.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết, cùng với sự phát triển cũng như biến động về kinh tế - xã hội của đất nước, mô hình trường PTDT bắt đầu bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục, đổi mới để phù hợp với yêu cầu mới, cụ thể là giai đoạn 2021-2030.

Quan điểm chung trong giai đoạn này là tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống trường PTDT nội trú theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Các trường phải được quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Đối với hệ thống trường PTDT bán trú sẽ tiếp tục củng cố, duy trì trên cơ sở phù hợp với thực tế của địa phương; đảm bảo các trường được thành lập phải phát triển ổn định, bền vững và có chất lượng. Trong đó, chú trọng tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh DTTS và các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường.

Ông Nguyễn Văn Tân - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc cho rằng, phải quy hoạch lại tổng thể hệ thống trường lớp tại các địa phương, quy hoạch đó nhất thiết phải đi liền với các quy hoạch khác để đảm bảo tính đồng bộ. Mục tiêu cuối cùng là phát huy vai trò của hệ thống trường này trong giai đoạn mới, gắn với lộ trình đổi mới chung của toàn ngành GD&ĐT.

Bên cạnh vấn đề quy hoạch lại các trường, để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học đối với cơ sở giáo dục phổ thông vùng DTTS, mầm non đáp ứng đổi mới GD&ĐT; quan tâm bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phổ thông vùng DTTS, miền núi; đầu tư kinh phí cho xây dựng các tài liệu, học liệu phù hợp với đặc điểm vùng, đặc điểm dân tộc.

Đánh giá tích cực về hiệu quả của hệ thống trường PTDT thời gian qua, bà Trần Thị Yên - Ban Nghiên cứu Giáo dục dân tộc gợi mở một số việc cần làm để duy trì và phát triển hệ thống này như: rà soát hệ thống văn bản để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đảm bảo các trường PTDT phải phát triển ổn định, bền vững và chất lượng; thực hiện tốt công tác xét duyệt học sinh bán trú, đảm bảo các em có điều kiện ăn, ở, học tập và sinh hoạt an toàn.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ