Đắk Lắk – Nghệ An trao đổi về phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

GD&TĐ - Đắk Lắk và Nghệ An có diện tích lớn, nhiều xã nằm ở khu vực miền núi hẻo lánh, vì vậy, việc phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Tặng quà lưu niệm giữa Sở GD&ĐT Nghệ An với Sở GD&ĐT Đắk Lắk.
Tặng quà lưu niệm giữa Sở GD&ĐT Nghệ An với Sở GD&ĐT Đắk Lắk.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, đoàn cán bộ, nhà giáo thuộc ngành GD&ĐT tỉnh Nghệ An do GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT làm trưởng đoàn đã có buổi trao đổi kinh nghiệm về phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi với Sở GD&ĐT Đắk Lắk.

Các đại biểu của ngành GD&ĐT Đắk Lắk - Nghệ An trao đổi kinh nghiệm về phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Các đại biểu của ngành GD&ĐT Đắk Lắk - Nghệ An trao đổi kinh nghiệm về phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tiếp và làm việc với đoàn, có ông Phạm Đăng Khoa – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở; bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Sở cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đại diện các trường THPT tại TP Buôn Ma Thuột.

GS.TS Thái Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc.

GS.TS Thái Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc.

Theo GS.TS Thái Văn Thành, Nghệ An là địa phương lớn nhất cả nước, địa hình đan xen giữa đồng bằng, trung du và miền núi. Vì thế, việc phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng gặp những trở ngại nhất định.

“So với Đắk Lắk thì chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn. Hiện nay, Nghệ An hầu như đã xoá được ‘lớp ghép’. Các điểm trường chỉ duy trì lớp 1 và 2. Đến lớp 3 là tập trung tại điểm chính, nơi có đủ trang thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT…

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những khó khăn riêng. Một số cơ chế, chính sách ban hành đã lâu, thiếu tính đồng bộ, dẫn đến khó bố trí nguồn kinh phí cho việc tổ chức ăn nội trú; việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, dẫn đến một số địa bàn học sinh phải đi học xa hơn. Để tăng chất lượng dạy học và giáo dục, các trường học ở Nghệ An tăng cường tổ chức mô hình bán trú dân nuôi”, ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, qua tham quan, tìm hiểu thực tế tại một số trường học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột nhận thấy, ở Đắk Lắk, hệ thống trường ngoài công lập phát triển mạnh. Điều đó cho thấy, địa phương rất chú trọng công tác xã hội hoá trong giáo dục.

“Như trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt, được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Các thiết bị dạy học, giáo dục, nhất là không gian trải nghiệm hết sức tiên tiến. Đây là tiền đề để các em phát triển tốt nhất phẩm chất, năng lực của bản thân…”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc.

Trao đổi với đoàn Nghệ An, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh, có tới 49 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên sự đa dạng về văn hoá, phong tục.

“Hiện nay Đắk Lắk vẫn còn 20 trường tiểu học phải dạy lớp ghép. Trong một lớp có nhiều thành phần dân tộc, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình mới, nhất là chọn học môn ngoại ngữ.

Để phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản quy định tổ chức bộ phận bán trú cho học sinh THPT đi học xa. Nhưng đến năm 2019 đã dừng thực hiện do nhiều quy định mới ra đời. Tuy nhiên, các trường THPT vẫn duy trì bộ phận bán trú dân nuôi, do nhân dân tự đóng góp để giúp học sinh có điều kiện đến trường. Toàn tỉnh có 9 trường thực hiện bán trú dân nuôi. Hầu như các thầy cô tự phân công nhau đảm nhiệm việc hỗ trợ học sinh, vì không có chế độ riêng cho khu bán trú”, ông Khoa thông tin.

Cũng theo ông Khoa, đến nay toàn tỉnh đã sáp nhập được 42 trường, gồm 7 trường mầm non, 35 trường tiểu học, đạt 68,85% so với kế hoạch của Đề án. Đã xóa bỏ được 196 điểm trường, trong đó: mầm non 128 điểm, tiểu học 67 điểm và THCS là 1 điểm, đạt 106,52% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay việc sáp nhập trường lớp cũng cần được rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp, tránh thực hiện cơ học, máy móc, gây khó khăn cho học sinh và lãng phí.

Các đại biểu của ngành GD&ĐT Đắk Lắk - Nghệ An chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu của ngành GD&ĐT Đắk Lắk - Nghệ An chụp ảnh lưu niệm.

Theo GS.TS Thái Văn Thành, để tiến tới xoá bỏ hoàn toàn lớp ghép, ngành GD&ĐT cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, mở rộng mô hình bán trú dân nuôi.

Khi phụ huynh đồng thuận, các em sẽ được đến trường học tập tập trung, tạo điều kiện để nhà trường tổ chức lớp học một cách khoa học và đạt hiệu quả về mặt giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ