Nâng chất lượng dạy và học từ đổi mới kiểm tra, đánh giá

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị trong đổi mới phương pháp dạy học và quản lí đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá là một trong nhiều biện pháp nâng chất lượng ở Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. 

Giờ lên lớp của học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) Ảnh: Hà An
Giờ lên lớp của học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) Ảnh: Hà An

Năm học 2018 - 2019, trường là địa chỉ đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh triển khai tổ chức kiểm tra kết quả học tập một tiết trở lên trên Hệ thống quản lý khảo thí Vitest của mô hình xây dựng trường học thông minh.

Đòi hỏi khách quan, chính xác

Phải đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan, chính xác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này. Đây là quan điểm chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh với ngành GD-ĐT. Thực hiện chỉ đạo trên, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm triển khai đổi mới công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập ở 7 trường trên toàn tỉnh.

Trong đó Trường THPT Hoàng Quốc Việt là tâm điểm của đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đây cũng là trường đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh triển khai tổ chức hoạt động này ở khối các lớp với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh... trên hệ thống quản lý khảo thí Vitest của mô hình xây dựng trường học thông minh.

Thạc sĩ Vũ Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với mô hình triển khai trường học thông minh, chúng tôi đang thí điểm việc thực hiện kiểm tra, thi trực tuyến trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh đã được đầu tư với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Bằng việc tổ chức kiểm tra định kì và học kì tập trung (đối với các môn thi THPT quốc gia). Công tác kiểm tra được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi và kiểm tra; bảo đảm thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Điều này giúp các thầy cô giáo điều chỉnh phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy học”.

Nhận xét về hoạt động đổi mới đánh giá học sinh ở Trường THPT Hoàng Quốc Việt, ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, cho rằng: Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra theo ma trận, bảo đảm đúng yêu cầu về thang bậc đánh giá năng lực học sinh. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, phù hợp với yêu cầu đánh giá phẩm chất nặng lực học sinh đúng như tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông đặt ra. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh ở từng học kỳ và từng khối lớp, các nhóm chuyên môn xác định tỉ lệ câu hỏi, bài tập theo các mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.

Giáo viên phải là tâm điểm đổi mới

Học sinh trong một giờ làm quen với kiểm tra đánh giá trên máy tính Ảnh: TG
Học sinh trong một giờ làm quen với kiểm tra đánh giá trên máy tính    Ảnh: TG 
Để thực hiện thành công đổi mới kiểm tra đánh giá, bài kiểm tra được nhà trường tổ chức tập trung cho học sinh thực hiện trên máy tính (hoặc iPad), phòng kiểm tra được bố trí 24 thí sinh, danh sách học sinh trong phòng kiểm tra được sắp xếp theo thứ tự a,b,c. Mỗi phòng bố trí 2 giáo viên coi kiểm tra và một số giáo viên làm nhiệm vụ giám sát. Kết quả bài kiểm tra của học sinh được trực tiếp nhập vào hệ thống quản lý giáo dục Smax. Kết quả kiểm tra chính xác, học sinh biết điểm ngay sau khi làm bài. Điều này giúp giáo viên điều chỉnh biện pháp quản lý, dạy học, để nâng cao chất lượng giáo dục.                 
Hiệu trưởng Vũ Thị Thu Huyền

Để hiện thực hóa các yêu cầu đặt ra, Hội đồng sư phạm nhà trường đã quán triệt từng tổ nhóm chuyên môn tích cực đổi mới sinh hoạt theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh theo đúng kế hoạch đã xây dựng. Mỗi tổ, nhóm chuyên môn đăng kí và thực hiện ít nhất từ 1 - 2 chủ đề dạy học đối với mỗi khối lớp. Thực hiện tối thiểu 1 chủ đề/môn ở cấp trường để các tổ chuyên môn khác dự và rút kinh nghiệm. Hàng tháng, mỗi tổ chuyên môn đăng kí và phân công ít nhất 1 giáo viên dạy học theo phương pháp mới phát huy năng lực của học sinh.

Thạc sĩ Vũ Thị Thu Huyền, đặc biệt nhấn mạnh bài học kinh nghiệm của nhà trường là: “Để thực hiện có hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, trước hết, Trường THPT Hoàng Quốc Việt đã tập trung cho công tác tuyên truyền để không chỉ giáo viên mà cả học sinh và phụ huynh thấy được việc chính xác trong đánh giá kết quả học tập của học sinh mới giúp điều chỉnh cách dạy và học, từ đó mới nâng cao chất lượng giáo dục. Thực tế đã minh chứng, khi đội ngũ cán bộ, giáo viên biết, hiểu, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, họ đã vào cuộc đầy trách nhiệm và công tâm, khiến phụ huynh và học sinh thêm tin yêu thầy cô và nhà trường.

Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đã thực sự đem lại hiệu quả tốt trong dạy và học. Phần lớn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đều tích cực thực hiện. Có nhiều giáo viên đi tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đã có tác động tích cực tới quá trình đổi mới phương pháp, đổi mới cách thức dạy học của giáo viên; tác động tích cực đến quá tình học tập của học sinh, giúp học sinh tăng cường ý thức tự giác, chủ động trong quá trình học và giúp phát triển năng lực người học. Kết quả đổi mới trong kiểm tra đánh giá học sinh đã và đang là nội lực để Trường THPT Hoàng Quốc Việt tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong các phong trào thi đua dạy tốt – học tốt của tỉnh Quảng Ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ