Xu hướng thế giới
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Hiện nay các trung tâm ngoại ngữ và tin học phát triển rộng khắp trên cả nước với con số gần 4000 trung tâm/cơ sở ngoại ngữ (theo thống kê 2017 của Vụ GDTX - Bộ GD-ĐT). Sự phát triển nhanh và mạnh này đã và đang đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của mọi đối tượng. Điều này cũng đặt ra vấn đề kiểm định các trung tâm ngoại ngữ, đảm bảo quyền lợi người học và trách nhiệm của hệ thống quản lý giáo dục của nhà nước.
Dự thảo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, mã số KHGD/16-20.ĐT.028 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, mã số KHGD/16-20. Đề tài do TS. Trương Tiến Tùng là chủ nhiệm, trường Đại học Mở Hà Nội là đơn vị chủ trì.
Mô hình quản lý thúc đẩy chất lượng hoạt động gắn liền với công tác kiểm định chất lượng là mô hình quản lý phổ biến trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở châu Âu và các nước Đông nam Á có chính sách giáo dục ngoại ngữ hướng đến việc tiếp cận các thành tựu giáo dục và công nghệ của thế giới.
Ở Việt Nam, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục giáo dục thường xuyên, trong đó có hệ thống Trung tâm Ngoại ngữ, là một đòi hỏi tất yếu nhằm thiết lập được các điều kiện đảm bảo chất lượng cho các cơ sở này, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, góp phần đổi mới và hoàn thiện chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ và cách mạng 4.0.
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới quản lý giáo dục thường xuyên theo hướng chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Các đại biểu tham gia tọa đàm |
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và khảo sát, đánh giá thực tiễn, các nhà khoa học đã đề xuất dự thảo bộ tiêu chuẩn gồm 5 lĩnh vực chất lượng và 21 tiêu chí nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn: (1) Định hướng và giúp các trung tâm ngoại ngữ – tin học (TT) phát triển trên cơ sở hiểu rõ các tiêu chí chất lượng và cách đảm bảo các tiêu chí chất lượng, (2) Cơ sở để các TT tự kiểm định chất lượng và chuẩn bị cho việc tham gia mạng lưới kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế và (3) Bảo đảm sự minh bạch chính xác về chất lượng các TT giúp người học chọn lựa TT phù hợp với nhu cầu của mình, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong đánh giá – quản lý nhà nước đối với các TT.
Công cụ hữu hiệu để thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ
Theo trưởng nhóm nghiên cứu đề tài, TS. Trương Tiến Tùng sau khi thực nghiệm lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo từ thực tế “tự kiểm định” của 34 trung tâm ngoại ngữ đại diện cho cả 3 loại hình trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động (tư thục, công lập và 100% vốn nước ngoài) trên cả nước, nhóm nghiên cứu sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo và ban hành bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng Việt Nam chính thức. Hi vọng, trong thời gian tới, kết quả nghiên cứu sẽ đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn và trở thành một công cụ hữu hiệu để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
TS. Hà Văn Sinh chia sẻ tại tọa đàm |
Theo ý kiến của TS. Hà Văn Sinh, GĐ Trung Tâm Ngoại Ngữ PTC – Nha Trang: “Cùng với sự gia tăng không ngừng về số lượng các trung tâm ngoại ngữ trên cả nước, bên cạnh việc khuyến khích các trung tâm kiểm định và công nhận chất lượng bởi các tổ chức kiểm định độc lập như NEAS, British Council, thì Bộ GD-ĐT đã rất khẩn trương có những nghiên cứu chuyên sâu làm cơ sở đề xuất chính sách, đồng thời tiến hành lấy ý kiến góp ý của các cơ sở giáo dục và các thành phần có liên quan để xem xét việc ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các trung tâm cũng như thành lập các đơn vị kiểm định chất lượng quốc gia độc lập đối với các trung tâm này.”
Tại tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, sự cần thiết ra đời một bộ tiêu chí đánh giá chất lượng các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam sẽ định hướng và giúp các trung tâm đảm bảo chất lượng của mình trên cơ sở phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất khi xây dựng bộ tiêu chí nên đưa tiêu chí môi trường an toàn bảo vệ cho trẻ em; tiêu chí liên quan đến khiếu nại, thắc mắc của học viên, phụ huynh, HS; tiêu chí tuyển chọn GV như thế nào; Có đánh giá chéo giữa các trung tâm với nhau; cần cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là đạt và không đạt; các thuật ngữ trong tiêu chí…