Khó khăn nhìn từ cơ sở
Trên toàn quốc hiện nay, tỉ lệ HS tiểu học học 2 buổi/ngày đạt gần 80%. Các địa phương đạt tỉ lệ 100% HS học 2 buổi/ngày chưa nhiều. Trong khi đó, tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp lại tập trung ở 2 khu vực: Các tỉnh miền núi hoặc có đông HS dân tộc và khu vực tập trung khu công nghiệp. Các tỉnh có tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày còn thấp gồm: Tuyên Quang (40,3%); Bình Thuận (41,9%); Cà Mau (48,7%); Trà Vinh (48,3%); An Giang (48,3%); Đồng Nai (30%); Hưng Yên (40%)…
Dạy và học 2 buổi/ngày có mục đích tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chương trình một cách tối ưu, dành nhiều thời gian để thực hiện các môn học và nội dung học tập; Giáo dục toàn diện cho HS; Tăng cường hoạt động trải nghiệm để giáo dục các kĩ năng mềm cho HS... Hiệu quả từ dạy học 2 buổi/ngày đã rõ ràng như vậy, nhưng tại sao nhiều địa phương có tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày chưa cao? Nguyên nhân đã được những người trong cuộc chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ - Sơn La khẳng định: Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho các cấp học, bậc học nói chung và cấp tiểu học nói riêng tại Vân Hồ. Tuy nhiên, với hàng loạt khó khăn đang phải tháo gỡ như: Đa số các trường học đóng trên địa bàn các xã vùng III đặc biệt khó khăn; khoảng cách nhiều điểm trường phụ đến trường trung tâm xa, địa hình cách trở, giao thông đi lại không thuận tiện; trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ GV thiếu… nên tới nay mới có 4/14 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Còn tại huyện vùng cao Quản Bạ (Hà Giang), hiện nay ở cấp tiểu học đội ngũ GV còn thiếu so với yêu cầu. CSVC trường lớp thiếu thốn, một số công trình xuống cấp, thiết bị dạy học (TBDH) tại nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế, mạng lưới trường lớp phân tán gây khó khăn trong công tác đầu tư CSVC và dạy học... Tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày tại Quản Bạ mới đạt 80%.
Theo ông Lê Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ: Vấn đề bảo đảm số lượng, chất lượng GV có vai trò đặc biệt trong việc đáp ứng yêu cầu CTGDPT mới bậc tiểu học. Tuy nhiên sự đầu tư đồng bộ bảo đảm nhu cầu về CSVC - TBDH cho các trường học cũng quan trọng để triển khai dạy học 2 buổi/ngày.
GD truyền thống trong trường nội trú. Ảnh minh họa |
Chuyển động để bắt kịp thực tế
Như nhiều địa phương trên cả nước, ngành GD-ĐT Đắk Lắk cũng gặp không ít khó khăn về CSVC - TBDH, hạ tầng CNTT còn chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày mới chỉ đạt gần 65% do thiếu phòng học (thiếu khoảng 500 phòng), thiếu các phòng học bộ môn Tin học, Ngoại ngữ.
Trước những khó khăn trên, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú cấp tiểu học giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương chung tay cùng ngành Giáo dục đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, chuẩn bị triển khai CTGDPT mới.
Mặt khác, hàng loạt các giải pháp cũng được đề ra và thực hiện như: Đẩy mạnh công tác truyền thông; Xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL, GV, NV đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; Quy hoạch mạng lưới trường, lớp; bổ sung, hoàn thiện hệ thống CSVC - TBDH đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày và bán trú; Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội… để hỗ trợ thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; Huy động đóng góp của nhân dân, cộng đồng, cha mẹ học sinh theo quy định.
Từ đầu năm học 2018 - 2019, tất các các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại địa phương; đẩy mạnh việc rà soát, đánh giá CSVC - TBDH trường tiểu học trên địa bàn, quy hoạch, sắp xếp lại các điểm trường để đầu tư nguồn kinh phí xây dựng bổ sung các hạng mục thiết yếu nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú cho học sinh.
Khẳng định việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học cấp học tiểu học. Sở GD&ĐT Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về xây dựng mô hình trường tiểu học theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2018 - 2025 để các trường tiểu học có cơ chế tự chủ chương trình GD; phụ huynh và cộng đồng tham gia tích cực vào các hoạt động GD… Hàng năm có văn bản hướng dẫn các phòng GD&ĐT chỉ đạo việc dạy học 2 buổi/ngày góp phần phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đến nay toàn tỉnh có 197 trường học từ 9 - 10 buổi/tuần; tăng 57 trường so với năm 2015.
Với ngành Giáo dục huyện Vân Hồ (Sơn La), xác định khó khăn về CSVC – TBDH, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh bán trú... là cản trở lớn trong quá trình triển khai dạy học 2 buổi/ngày, ngành GD-ĐT đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Xác định đúng giải pháp tháo gỡ nên đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các tổ chức, các cá nhân, mạnh thường quân… Từ nguồn xã hội hóa này, chỉ riêng 2 năm học vừa qua đã bổ sung đáng kể vào xây dựng CSVC… Đây là điều kiện quan trọng để ngành GD-ĐT Vân Hồ bước vào triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo CTGDPT mới.
Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT cho rằng, trong thời gian tới, để triển khai tốt việc dạy học 2 buổi/ngày, các địa phương cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện SGK mới ở cấp tiểu học.
Về phía Bộ GD&ĐT, để bảo đảm đủ điều kiện CSVC thực hiện CTGDMN và CTGDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, SGK đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo CSVC cho CTGDMN và CTGDPT giai đoạn 2017 - 2025.