Nâng cao vị thế nhà giáo nơi rẻo cao Nậm Pì

GD&TĐ - "Nhà giáo phải không ngừng đổi mới để nâng cao vị thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới", đó là tâm niệm được thầy Cao Hồng Thanh nhắc nhở các thế hệ giáo viên Trường PTDTBT THCS Nậm Pì nhiều năm qua.

Chất lượng giáo dục trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì ngày càng được nâng cao.
Chất lượng giáo dục trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì ngày càng được nâng cao.

“Trái ngọt” trên rẻo cao

Chúng tôi đến Trường  PTDTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lại Châu) đúng lúc nhà trường đang tổ chức liên hoan chúc mừng đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện. Trong không khí phấn khởi đó, thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, trường có 19 học sinh tham gia thì có tới 16 em đạt giải, đứng đầu toàn huyện.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó, thầy Thanh tâm sự: "Nậm Pì có xuất phát điểm thấp, được tách ra từ xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ. Đa số người dân là đồng bào Mông, Mảng. Bởi vậy, chất lượng giáo dục của nhà trường những ngày đầu cũng rất thấp. Tỷ lệ học sinh chuyên cần chưa cao".

Với nỗi niềm trăn trở làm sao cho chất lượng giáo dục được nâng cao, thầy Thanh đã cùng tập thể cán bộ giáo viên nhà trường “bắt tay” vào giáo dục học sinh từ những điều cơ bản nhất.

“Vì là trường bán trú nên chúng tôi dạy học sinh từ việc ăn, ở, cho đến cách gấp chăn, quần áo, vệ sinh cá nhân... Ban đầu vất vả lắm vì học sinh quen với nếp sống chưa nề nếp trên nương, trên rẫy. Nhưng mưa dầm thấm lâu nên dần dần các em đã có nhận thức tốt hơn” - thầy Thanh cho hay.

Chăm sóc vườn rau
Học sinh bán trú Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì chăm sóc vườn rau.

Năm học này, Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì có 224 học sinh, trong đó 218 em bán trú. Theo chia sẻ của thầy Thanh, cứ 18 giờ hàng ngày, toàn bộ học sinh không được ra khỏi trường. Các em thực hiện nền nếp sinh hoạt trong bán trú, chuẩn bị bữa cơm chiều. Trong đó có nhiều thực phẩm do chính tay mình làm ra, như: rau xanh, thịt gà...

“Chúng tôi tạo cho học sinh môi trường vừa học tập, vừa trải nghiệm thông quá việc chăn nuôi gà, lợn và trồng rau. Những sản phẩm đó lại phục vụ cho chính bữa ăn của mình, giúp các em hiểu hơn giá trị từ sức lao động” – thầy Thanh nói.

Cũng theo thầy Thanh, khi công tác ăn, ở bán trú đã đi vào nền nếp, các thầy cô có điều kiện thuận lợi hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Điều đó, thể hiện rõ nhất là việc ôn thi học sinh giỏi. Trước đây, tỷ lệ học sinh giỏi của trường còn hạn chế. Song nhiều năm trở lại đây, đội ngũ học sinh giỏi của trường luôn đứng tốp đầu huyện.

Năm học 2020 – 2021, với chuyên môn Sử, thầy Thanh trực tiếp ôn thi. Kết quả đã gặt hái được giải nhì cấp huyện. Đây là thành tích cao nhất mà học sinh nhà trường đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi vừa qua. Không chỉ là chất lượng giáo dục chuyên sâu, tỷ lệ huy động học sinh học sinh ra lớp của trường cũng thường xuyên duy trì ở mức cao, trên 97%. 

Sản phẩm học sinh làm ra được dùng trong những bữa ăn của các em
Rau xanh học sinh làm ra được dùng trong những bữa ăn của chính các em.

Đổi mới là không có điểm dừng

Triển khai chương trình GDPT mới, đối với giáo dục vùng cao là không hề đơn giản. Song với tinh thần không ngừng đổi mới, thầy Thanh đã cùng tập thể giáo viên nhà trường chủ động “bắt nhịp”.

Thầy Thanh chia sẻ: “Chương trình GDPT mới đặt ra những thách thức về đổi mới cho giáo viên và ban giám hiệu mỗi trường. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu đó, không chỉ giáo viên, mà chính hiệu trưởng cũng cần tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn”.

Với suy nghĩ đó, thầy Thanh động viên và cùng lãnh đạo Ban giám hiệu nhà trường tiên phong thay đổi từ tư duy lãnh đạo. Hướng cho giáo viên dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Lấy chất lượng của học sinh để đánh giá chất lượng giáo viên.

Theo thầy Cao Hồng Thanh, vị trí Hiệu trưởng phải không ngừng đổi mới để chất lượng giáo dục được nâng cao
Theo thầy Cao Hồng Thanh, vị trí Hiệu trưởng phải không ngừng đổi mới để chất lượng giáo dục được nâng cao.

“Điều đầu tiên cần làm là phải quy tụ được giáo viên, đoàn kết nội bộ. Đây là vấn đề trọng tâm, then chốt để đưa nhà trường phát triển” – thầy Thanh nói.

Theo chia sẻ của thầy giáo Lò Văn Khiêu thì chính những kế sách hợp lý theo từng giai đoạn cụ thể đã giúp chất lượng giáo dục nhà trường từng bước được nâng cao. "Trên cơ sở kế hoạch xây dựng từ trước, bạn giám hiệu nhà trường đã triển khai cụ thể hoá thành việc làm cụ thể. Chỉ đạo chúng tôi phải làm thế nào để hoàn thiện bản thân. Từ đó khẳng định vị thế của mình", thầy Khiêu chia sẻ.

Còn với cô giáo Lường Thị Hỏa, thì không chỉ là lãnh đạo nhiệt huyết, thầy Thanh còn sống rất tình cảm với đồng nghiệp. Thầy luôn chia sẻ với giáo viên từ công việc đến cuộc sống hàng ngày. "Ngay cả việc ôn thi học sinh giỏi, thầy cũng trực tiếp tham gia. Điều đó có giá trị khích lệ tinh thần rất lớn cho cả học sinh và giáo viên đội tuyển”, cô Hoả nói.

Với cô học trò dân tộc Mảng Sìn Thị Định thì thầy Thanh là người khơi gợi tình yêu với môn Lịch sử trong em. Với sự khích lệ rất lớn từ người thầy hiệu trưởng, Định đã trở thành học sinh đầu tiên của trường đạt giải nhì cấp huyện năm 2021-2022. "Năm nay, em chỉ đạt giải ba cấp huyện. Em hứa sẽ cố gắng hơn để không phụ niềm tin của thầy Thanh và các thầy, cô trong trường", Định phấn khởi nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ