Lai Châu: Xây dựng mỗi nhà giáo là một tấm gương về đạo đức

GD&TĐ - Dường như không có khoảng cách, giáo viên vùng cao Lai Châu vẫn coi trò như những người bạn. Giữa trưa oi ả, họ vẫn "quần đùi, áo số" cắt tóc cho trò. Học sinh ở đây cũng tự nhiên cảm nhận thầy cô là người thân.

Một buổi tới lớp của học sinh vùng cao Lai Châu
Một buổi tới lớp của học sinh vùng cao Lai Châu

“Cô là mẹ và các cháu là con”...

Một ngày giữa tháng 2, chúng tôi có dịp đến với Trường phổ thông DTBT Tiểu học xã Ka Lăng, huyện Mường Tè. Giữa sân trường, vài thầy giáo vốn vẫn “tay phấn, nét bút”, giờ đang trong bộ “quần đùi, áo số” với chiếc tông đơ cắt tóc cho trò. Vài em đầu dù, tóc rối vẫn đang đứng đợi tới lượt mình. Đó là số học sinh ở bán trú tại trường.

Đây chẳng phải sắp đặt, mà định kỳ, công việc này vẫn diễn ra. Thầy Nguyễn Duy Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi vẫn yêu cầu giáo viên phải thường xuyên tìm hiểu, quan tâm tới hoàn cảnh của các em. Từ đó tìm cách động viên các em cố gắng học tập. Như các anh thấy đấy, chẳng có sự giàng buộc nào, nhưng thầy cô vẫn chăm sóc các em như con em mình. Tuy rất gần gũi, song thầy cô vẫn giữ được hình ảnh đẹp trong lòng các em”, thầy Long chia sẻ.

Theo thầy Long, khi giáo viên đã xác định mình phải làm khuôn mẫu để giáo dục học sinh thì mỗi người sẽ phải tự nâng cao nghiệp vụ sư phạm, trau dồi đạo đức, phẩm chất cá nhân. Điều này sẽ được thể hiện trong giảng dạy, giao tiếp với các em. Có như vậy mới tạo được thiện cảm, khiến học sinh của mình yêu thích môn học, bài học và muốn đến trường hơn.

Thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn cho rằng: Không nên tạo khoảng cách giữa thầy với trò trong giao tiếp hàng ngày. Bởi như vậy, học sinh mới tự tin tìm đến thầy, cô mỗi khi có việc cần.

Thầy cô trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng, huyện Mường Tè cắt tóc cho học sinh bán trú.
Giáo viên trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng, huyện Mường Tè cắt tóc cho học sinh bán trú.

Thầy Thanh chia sẻ: “Về phía nhà giáo, chúng tôi đã nỗ lực để truyền thụ kiến thức, tạo hứng thú để các em yêu thích bài học. Những khi gặp bài toán khó, thầy cô luôn sẵn lòng hỗ trợ, giải đáp. Tôi ví dụ như trong việc ôn luyện học sinh giỏi, chúng tôi đã phân tích khả năng và thế mạnh của từng em, động viên các em ôn thi. Năm nay, trường có 16/19 học sinh tham dự học sinh giỏi cấp huyện đạt giải. Con số trên thể hiện rằng chúng tôi đang đi đúng hướng”.

Cô giáo Vũ Thị Khánh Ly (trường THCS đoàn kết, TP Lai Châu) vừa vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ sau nhiều năm cống hiến, đóng góp với nghề. Cô Ly cho rằng, để có được thành công này, trước hết bản thân cô phải dành tình cảm chân thành nhất cho trò.

“Với tôi, ở trường thì tôi coi mình như người cha, người mẹ của các cháu. Song đôi khi vẫn các em như chính người bạn của mình vậy. Bởi thực tế, ngoài việc chia sẻ kiến thức, chúng ta còn chia sẻ kinh nghiệm sống, cách sống cho các em. Để làm được điều đó, bản thân người thầy cần không ngừng học hỏi, rèn luyện” – cô Ly nói.

Vừa hồng vừa chuyên
Lai Châu phấn đấu xây dựng mỗi nhà giáo là một tấm gương về đạo đức.

Toàn ngành nỗ lực...

NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho rằng: “Nhà giáo đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp “trồng người”. Bởi, thầy cô giáo có tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của học sinh và niềm tin của xã hội”.

Vì vậy, theo ông Tuấn, toàn ngành đã quyết liệt chỉ đạo trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo. Từ đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết và lương tâm nghề nghiệp trong mỗi nhà giáo.

Những năm qua, ngành GD&ĐT Lai Châu cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên được tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

“Cá nhân mỗi nhà giáo phải tự học, tự bồi dưỡng để có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có trình độ, năng lực. Từ đó, chúng tôi mong muốn mỗi nhà giáo đều trở thành những người thầy “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu giáo dục” - ông Tuấn nói thêm.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu cũng đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động: "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm". Đồng thời, quán triệt triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”.

“Toàn ngành cũng thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra để phát hiện, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình về xây dựng môi trường sư phạm. Những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập sẽ là tấm gương để lan tỏa trong toàn ngành và xã hội” – NGƯT Đinh Trung Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ