Nâng cao trình độ tiếng Anh: Đòi hỏi từ thực tiễn

GD&TĐ - Gần đây, HS THPT ở Việt Nam đạt được điểm số khá cao với các bài kiểm tra quốc tế như IELTS. Sở dĩ có được kết quả này, là do người Việt  được tiếp xúc với tiếng Anh sớm, tần suất ngày càng nhiều. Đây là chia sẻ của ông Andrew Burlton (Giám đốc Các chương trình tiếng Anh của Hội đồng Anh tại Việt Nam) với Báo GD&TĐ.

Ông Andrew Burlton (Giám đốc Các chương trình tiếng Anh của Hội đồng Anh tại Việt Nam) và học sinh Việt Nam. Ảnh: T.G
Ông Andrew Burlton (Giám đốc Các chương trình tiếng Anh của Hội đồng Anh tại Việt Nam) và học sinh Việt Nam. Ảnh: T.G

Mở ra nhiều cơ hội

- Thông qua các hoạt động chuyên môn tại Việt Nam, Hội đồng Anh đánh giá như thế nào về mặt bằng năng lực và trình độ tiếng Anh của HS, SV Việt Nam, thưa ông?

- Mặt bằng trình độ tiếng Anh nói chung của HS, SV đã tăng đáng kể. Từ hoạt động dạy tiếng Anh tại Hội đồng Anh, chúng tôi nhận thấy điều này qua sự thay đổi trong phân bổ số lượng học viên ở từng trình độ, đặc biệt ở các trình độ cao nhất của từng bậc học (tiểu học, THCS, THPT).

Thời gian gần đây, HS ở bậc THPT của Việt Nam đã đạt được điểm số khá cao với các bài kiểm tra quốc tế như IELTS. Sở dĩ có được kết quả này là do người Việt được tiếp xúc với tiếng Anh ngày càng sớm và tần suất ngày càng nhiều hơn. Thêm nữa, động lực học tiếng Anh cũng mạnh hơn khi HS, SV và các gia đình nhận thức được vai trò của tiếng Anh trong việc tiếp cận cơ hội việc làm ở trong nước và quốc tế.

Một lý do nữa, nhiều trường ĐH đã yêu cầu về chuẩn trình độ tiếng Anh cao hơn đối với SV sau khi tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, việc giảng dạy tiếng Anh trong các trường công lập của Việt Nam cũng được cải thiện nhiều.

Những đòi hỏi ngày càng cao của nhà trường và doanh nghiệp, người học tiếng Anh nhận thấy phải trang bị kiến thức thật sự; cần có trình độ tiếng Anh cao hơn, để nổi bật khi tham gia tuyển dụng, xin việc. Do đó, những mục tiêu về trình độ tiếng Anh được người học đặt ra cao hơn và phải chăm chỉ hơn nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

- Để mặt bằng trình độ tiếng Anh của HS Việt Nam được nâng lên nhanh và cao hơn, ngành GD Việt Nam, mà cụ thể từng nhà trường phải quan tâm đến những giải pháp gì trước mắt và lâu dài?

- Bộ GD&ĐT đã có những trọng tâm và các chính sách rất rõ ràng, với việc dành các nguồn lực và ngân sách đáng kể để hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và trình độ tiếng Anh của HS. Hội đồng Anh vinh dự được đồng hành, hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược, trong đó bao gồm việc đào tạo GV cho đến hỗ trợ và tư vấn các chương trình giảng dạy.

Trước mắt, về mục tiêu ngắn và trung hạn, theo chúng tôi, cần tập trung vào việc đào tạo GV, cũng như phải có những khóa đào tạo kỹ năng cho GV. Những kỹ năng này sẽ bao gồm cả việc phát triển trình độ tiếng Anh và đào tạo phương pháp giảng dạy cho GV.

Với mục tiêu dài hạn hơn, chính sách bao trùm cần đặt ra là nâng cao mặt bằng chung về khả năng sử dụng tiếng Anh của HS theo từng cấp học, đưa vào chương trình học chính thức những khóa học tiếng Anh trung hạn. Đồng thời, tiếp tục áp dụng các phương pháp giảng dạy mới hiệu quả, qua đó tập trung vào hiệu quả giao tiếp, nhất là những kỹ năng giao tiếp thực tế trong môi trường làm việc quốc tế.

Phương pháp giảng dạy rất quan trọng. Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh bao gồm thay đổi từ việc cần phải sử dụng tiếng Anh một cách chính xác, sang sử dụng lưu loát, cần sử dụng ngôn ngữ thực tế trong các lớp học, cũng như phát triển sự tự tin của HS.

Các nhà trường cần dành thời gian nhiều nhất có thể để HS sử dụng tiếng Anh và phát triển vốn từ vựng, cũng như cách sử dụng thành ngữ và khả năng sử dụng ngữ điệu phù hợp.

Các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng có nhiều hợp tác với các đối tác quốc tế, từ đó có thể giúp phát triển các mạng lưới, có những chương trình trao đổi, nhằm chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để hỗ trợ việc đổi mới dạy và học tiếng Anh.

Giáo viên cần được hỗ trợ nhiều hơn

- Những năm gần đây, hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu. Ông có thể đánh giá nét nổi bật trong hợp tác, hỗ trợ giữa Hội đồng Anh với lĩnh vực GD của Việt Nam thời gian qua và sắp tới?

- Hội đồng Anh đã hợp tác cụ thể với một số sở GD&ĐT để phát triển chuyên môn cho GV tiếng Anh, thông qua tập huấn, dự giờ lớp học và cố vấn chuyên môn. Chúng tôi hy vọng sẽ nhân rộng hoạt động này trong tương lai.

Cùng với việc hợp tác với GD các địa phương để trực tiếp hỗ trợ GV, trong tương lai có thể triển khai các khóa tập huấn cho giảng viên ĐH và GV cốt cán, để giúp họ nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy.

Hội đồng Anh đã ký Bản Thỏa thuận hợp tác với Ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2019 - 2023. Thỏa thuận hợp tác này là một phụ lục của Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực GD được ký giữa Bộ GD&ĐT và Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Thỏa thuận hợp tác mới được ký kết với Ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia sẽ tập trung vào: Nâng cao trình độ tiếng Anh, giảng dạy cho GV và giảng viên trong những ngành đào tạo cơ bản và ĐH; Kiểm tra và đánh giá năng lực tiếng Anh; Công nhận và tiêu chuẩn hóa; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh.

- Xin cảm ơn ông!

Phương pháp giảng dạy rất quan trọng. Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh bao gồm thay đổi từ việc cần phải sử dụng tiếng Anh một cách chính xác, sang sử dụng lưu loát, cần sử dụng ngôn ngữ thực tế trong các lớp học, cũng như việc phát triển sự tự tin của HS.
                                                                         Ông Andrew Burlton 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.