Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hội thảo tập trung thảo luận về cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trong các trường đại học với 3 chủ đề: phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và đổi mới sáng tạo, phát triển các phòng thí nghiệm. Đây là 3 chủ đề gắn bó chặt chẽ với nhau, là vấn đề cốt yếu nhằm nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH.
Nói về vai trò của các trường ĐH trong nghiên cứu, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: Sức mạnh của các trường ĐH là gắn với nghiên cứu. Tuy nhiên, muốn phát triển, các trường phải chú ý tiềm lực, nguồn lực, động lực. Vì vậy cần phải đầu tư nguồn kinh phí cho các trường đại học, phân bổ tốt hơn lĩnh vực nào cần ưu tiên, có cơ chế quản lý… để các trường thực hiện.
Chia sẻ tại tọa đàm, GS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) cho biết: Kết quả lấy ý kiến trực tiếp từ 20 cơ sở giáo dục ĐH đối với 3 cơ chế chính sách trong các cơ sở giáo dục ĐH (gồm: Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (cho giảng viên), Đầu tư phòng thí nghiệm gắn với chương trình nghiên cứu) mà Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì xây dựng, các ý kiến đều thể hiện sự quan tâm tới cả 3 chính sách này và cho rằng rất cần thiết cho các trường ĐH hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến và tham luận thống nhất cần ban hành cơ chế chính sách phát triển KHCN trong các trường ĐH.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự đồng thuận của các chuyên gia, các nhà khoa học về việc cần ban hành cơ chế chính sách phát triển KHCN trong các trường đại học.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu góp ý, nghiên cứu để xây dựng và ban hành văn bản mang tính chất khung, từ đó, các cơ sở giáo dục căn cứ vào Luật GDĐH và thông tư hướng dẫn để ban hành văn bản để thực hiện chính sách nâng cao năng lực KHCN trong các cơ sở GDĐH.