“Có sinh mới trưởng”
“Đừng bắt đại bàng non phải biết bay ngay” là câu ví von mà nhiều cán bộ ở trường Đại học Thái Nguyên nói về chuyện mở ngành Quản trị văn phòng bị báo chí phản ánh một cách oan ức. Theo đó, có một số phóng viên báo chí nhận định rằng Trường Đại học công nghệ thông tin và truyền thông đã mở Ngành Quản trị văn phòng; khoa Truyền thông Đa phương tiện; Khoa Công nghệ tự động hóa vi phạm khoản 1, Điều 2 Thông tư 08 (có ít nhất 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký) trái với Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 do thiếu giảng viên có học vị như quy định.
Về vấn đề này, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên cho phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại biết như sau:
Chúng tôi rất tôn trọng các quy định của pháp luật nhưng cũng hết sức linh hoạt với thực tiễn đào tạo. Ngành Quản trị văn phòng là một ngành mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo mở và đưa vào trong danh mục các ngành đào tạo cấp IV từ năm 2010 theo Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT, ngày 27/4/2010. Đối với ngành này, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có duy nhất có 01 trường ĐH (ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị văn phòng (từ năm 2016). Chưa có cơ sở đào tạo trong nước đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Quản trị văn phòng. Như vậy được hiểu tại thời điểm mở ngành Quản trị văn phòng (năm 2012), chưa có nguồn nhân lực, giảng viên tốt nghiệp về trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ trong nước đúng ngành Quản trị văn phòng mà chỉ có cán bộ có chuyên môn gần, có làm việc liên quan đến lĩnh vực Quản trị văn phòng.
Với định hướng chiến lược trong nghiên cứu và đào tạo là tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, quản trị; Căn cứ vào những điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất, Trường ĐH CNTT & Truyền thông đã đề xuất Đại học Thái Nguyên cho mở và đào tạo ngành Quản trị văn phòng từ năm 2012. Đội ngũ giảng viên tại thời điểm đề xuất mở ngành đều có chuyên môn được đào tạo và có hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học phù hợp với chương trình đào tạo của ngành.
Qua tìm hiểu được biết, chương trình đào tạo của ngành Quản trị văn phòng gồm 2 khối kiến thức chuyên môn chính là: Nghiệp vụ Văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng (chiếm tỷ lệ 30%) và Ứng dụng CNTT vào công tác văn thư, lưu trữ, hành chính văn phòng (chiếm tỷ lệ lớn hơn 50%). Vì vậy, chuyên môn của đội ngũ giảng viên giảng dạy ngành này phải đảm bảo theo 2 nhóm tương ứng là nhóm chuyên môn lĩnh vực hành chính, quản trị, quản lý và nhóm chuyên môn lĩnh vực công nghệ thông tin. Do đó, tại thời điểm mở ngành, Trường ĐH Công nghệ thông tin & Truyền thông đã có đội ngũ giảng viên được đào tạo và hoạt động chuyên môn trong các ngành gần cùng nhóm ngành Kinh doanh và quản lý với ngành Quản trị văn phòng.
Đối với Khoa Truyền thông đa phương tiện và Khoa Công nghệ tự động hóa, Đại học ĐH Công nghệ thông tin & Truyền thông khẳng định, việc thành lập khoa không căn cứ theo khoản 1, điều 2, Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ GD&ĐT nên không sai với Thông tư 08 như báo chí phản ánh. Lý do, Thông tư này hiện đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 22 / 2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 06/9/2017 của Bộ GD&ĐT. Hiện tại, đội ngũ giảng viên cơ hữu của ngành gồm 02 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 8 giảng viên có trình độ thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện tại của ngành đảm bảo có trình độ phù hợp với yêu cầu chuyên môn của ngành.
Không có chuyện “cho cò ăn đĩa, để cáo ăn bình”
Đối với vị trí Trưởng khoa Truyền thông Đa phương tiện và Khoa Công nghệ Tự động , theo quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014, đều có trình độ tiến sĩ và hoạt động chuyên môn phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại Khoa. Cụ thể là TS. Nguyễn Duy Minh được cấp bằng Tiến sĩ chuyên ngành đảm bảo toán học cho máy tính và hệ thống tính toán với đề tài luận án: “Tiếp cận đại số gia tử trong điều khiển mờ” có nội dung và kết quả nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực công nghệ tự động hóa. -
Ngoài ra, Tiến sĩ Đỗ Thị Bắc, Trưởng Khoa Truyền thông đa phương tiện cũng được đào tạo rất bài bản với chuyên ngành được phân công. Cần phải nói thêm ở đây rằng, tại Việt Nam và trên thế giới chưa có mã ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Truyền thông đa phương tiện. Vì vậy, khi xem xét bổ nhiệm Trưởng Khoa Truyền thông đa phương tiện, Nhà trường đã lựa chọn nhân sự có chuyên môn được đào tạo phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo của Khoa Truyền thông Đa phương tiện. Các nhà khoa học, các nhà quản lý ở Đại học Thái Nguyên đều đánh giá rằng, Luận án tiến sĩ của bà Đỗ Thị Bắc đã có những kết quả nghiên cứu đóng góp quan trọng vào việc cải tiến và nâng cao độ an toàn, bảo mật của hệ thống mạng truyền thông đa phương tiện hiện đại bao gồm mạng cảm biến, mạng dữ liệu tốc độ cao, mạng truyền dữ liệu thời gian thực; Xây dựng môi trường ảo hóa tự động phân tích hành vi mã độc, các thuật toán mã hóa khối đảm bảo an toàn và an ninh cho hệ thống truyền thông đa phương tiện…
Trường hợp Tiến sĩ văn học Việt Nam Lê Thị Ngân được bổ nhiệm giữ chức Trưởng khoa Luật và Quản lý xã hội, Đại học Khoa học, cũng hết sức oan khuất khi bị là không phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo. Phóng viên tìm hiểu được biết, từ khi giữ cương vị Phó Trưởng Khoa Văn – Xã hội, TS Lê Thị Ngân tham gia giảng dạy một số học phần thuộc ngành Khoa học Quản lý, Công tác xã hội; đã hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học quản lý và công tác xã hội. Trong đó, có công trình đạt Giải Nhất nghiên cứu khoa học do Tỉnh đoàn tỉnh Thái Nguyên tổ chức năm 2014. Đồng thời, TS. Lê Thị Ngân tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực khoa học quản lý và công tác xã hội. Ngoài những kinh nghiệm đào tạo và hoat động trong lĩnh vực khoa học quản lý, công tác xã hội trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, TS Lê Thị Ngân đã tốt nghiệp Cử nhân Cao cấp Lý luận chính trị – Hành chính Nhà nước, đồng thời tham gia nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực khoa học quản lý, công tác xã hội. Đơn cử, tham gia khóa bồi dưỡng “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo” tại Australia, năm 2017 do Chính phủ Việt Nam và Đại sứ quán Australia đồng tổ chức; tham gia đề án “Bạo lực gia đình – nhận thức và ứng phó, nhìn từ góc độ công tác xã hội và luật”. Được đánh giá cao kinh nghiệm giảng dạy, đặc biệt là khoa học quản lý và Công tác xã hội, tháng 9 năm 2013, TS. Lê Thị Ngân được bổ nhiệm Trưởng khoa Khoa Luật và Quản lý Xã hội sau khi Khoa này được tách ra từ Khoa Văn – Xã hội với số phiếu 26/27 cán bộ trong Khoa giới thiệu.
Với những cơ sở này cho thấy việc bổ nhiệm tiến sĩ Minh, tiến sĩ Ngân và tiến sĩ Bắc là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với điều kiện cán bộ tại Đại học Thái Nguyên. Các cán bộ này đều đảm nhiệm được công tác quản lý cũng như công tác chuyên môn trong lĩnh vực được phân công. Chuyện bỏ sở trường, dùng sở đoản hay nói nôm na rằng không có chuyện “cho cò ăn đĩa, để cáo ăn bình” trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Hơn nữa, đối với những khoa, ngành mới mở, việc tuyệt đối hóa điều kiện bổ nhiệm là không khả thi và không phù hợp với điều kiện đào tạo. Trong xu hướng ĐH phải tự chủ như hiện nay thì việc ghép ngành, ghép khoa là chuyện nên làm. Vì vậy, việc lựa chọn cán bộ quản lý cũng là điều hết sức phải linh hoạt, cẩn trọng.