Lấy khoa học để nuôi khoa học
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hội thảo tập trung thảo luận về cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ (KHCN) trong các trường đại học với 3 chủ đề: về nhóm nghiên cứu mạnh, khởi nghiệp trong các cơ sơ giáo dục đại học (GDĐH) và đổi mới sáng tạo, phát triển các phòng thí nghiệm. Đây là 3 chủ đề gắn bó chặt chẽ với nhau, là vấn đề cốt yếu nhằm nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.
Trong những năm qua, các cơ sở GD đại học trong nghiên cứu KH đã có những bước chuyển ban đầu khá tốt, minh chứng là số lượng công bố quốc tế so với 5 năm trước tăng gấp đôi, điều đó giúp cho vị thế của một số cơ sở GDĐH lớn trong xếp hạng của châu Á đã có bước tăng đáng kể.
Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu và quy mô dân số và tốc độ phát triển kinh tế thì vị thế và sứ mệnh về KHCN của chúng ta chưa đáp ứng về nhu cầu. Nguyên nhân từ cơ chế chính sách và từ nỗ lực chính bản thân của các trường.
Hội thảo là cơ hội để chúng ta tập trung trao đổi về cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động KHCN trong trường ĐH.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc |
Thứ trưởng cho biết: Đối với các cơ sở GDĐH nước ngoài, nguồn thu về KHCN chiếm tỉ lệ lớn, nhất là cơ sở định hướng nghiên cứu, phần thu từ NCKH chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng số nguồn thu của trường. Nhưng chúng ta, kể cả cơ sở ĐH thuộc nhóm đầu về nghiên cứu, nguồn thu chủ yếu từ học phí và ngân sách do nhà nước cấp thường xuyên, còn nguồn thu từ nghiên cứu khoa học thấp.
Làm sao phát triển được nguồn thu phát triển KHCN trong các cơ sở GDĐH là điều quan trọng. Như vậy để tăng nguồn thu, chúng ta phải lấy khoa học để nuôi khoa học...
Nâng cao thứ hạng GDĐH Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Trong quá trình sửa đổi bổ sung Luật GDĐH có nhiều vướng mắc. Trong luật GDĐH bổ sung sửa phần liên quan đến việc thành lập các doanh nghiệp, ứng dụng chuyển giao. Khi sửa phần về tài chính tài sản, ý kiến quy định là do vướng Luật tài sản công quy định, về đầu tư do Luật đầu tư công quy định, sửa về đất đai, thành lập doanh nghiệp ứng dụng chuyển giáo công nghệ liên quan đến Luật đất đai…chúng ta còn vướng mắc về hệ thống luật pháp, thể chế…
Với chủ đề về nhóm nghiên cứu mạnh: Trong thời gian qua, những trường được đánh giá mạnh vì ở trường đó thành lập được các nhóm nghiên cứu (do các trường thành lập). Việc ban hành một hành lang pháp lý để tạo cơ sở cho các trường thành lập nhóm nghiên cứu mạnh là cần thiết để từ đó nhóm nghiên cứu mạnh tăng tiềm lực KHCN. Nhóm nghiên cứu mạnh như tổ ấm của các nhà nghiên cứu, chúng ta cần xây dựng những tổ ấm đó.
Nếu không xây dựng hành lang pháp lý, chúng ta sẽ gặp cơ chế về giảng viên. Trong quy chế về nhóm nghiên cứu mạnh có quy định gì để khuyến khích giảng viên, ví dụ như giảm giờ dạy để tập trung nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu mạnh là vấn đề rất quan trọng.
Toàn cảnh hội thảo |
Thứ hai, về xây dựng phòng thí nghiệm, nguồn lực của chúng ta đầu tư phòng thí nghiệm không nhiều. Hàng năm, kinh phí về NCKH do Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính không nhiều, phải “nuôi con” rất đông nên phải tìm cách để sử dụng hiệu quả. Trong đầu tư phòng thí nghiệm phải chú ý đến thế mạnh nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những thế mạnh nghiên cứu chủ yếu, tuy nhiên tránh nghiên cứu trùng lắp. Bộ GD&ĐT đang khuyến khích các phòng thí nghiệm dùng chung để phát huy thế mạnh.
Thứ ba, về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, là phần yếu nhất trong các cơ sở GĐĐH. Số bài báo quốc tế 5 năm tăng gấp đôi - đó là tiềm năng khoa học khá lớn. Thống kê những trường tăng nhiều nhất rơi vào nhóm trường tự chủ. Tuy nhiên, phần bài quốc tế tăng nhưng phần đổi mới sáng tạo thực sự yếu.