Nâng cao nhận thức quyền và nghĩa vụ của công dân

GD&TĐ - Giáo dục quyền con người cho học sinh có ý nghĩa quan trọng.

Một giờ học của Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội).
Một giờ học của Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội).

Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tự bảo vệ mình và người khác

25 năm gắn bó với bục giảng, cô Lê Thị Mùi - Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai, Lào Cai) cho hay, nội dung giáo dục về quyền con người được cô chú trọng ở môn Đạo đức. Theo đó, cô giáo dục học sinh biết tôn trọng mình, người khác.

Các thông tin chuyển tải ở mức độ đơn giản, rõ ràng. “Chẳng hạn, ngày 8/3, tôi tổ chức, hướng dẫn các bạn nam tặng quà cho mẹ, chị, em gái của mình và bạn nữ trong lớp. Thông qua hoạt động này, tôi gợi mở vấn đề và giáo dục học sinh một số nguyên tắc cơ bản của quyền con người cũng như nghĩa vụ tôn trọng các quyền của người khác”, cô Mùi viện dẫn.

Theo cô Mùi, giáo dục quyền con người với học sinh tiểu học còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục như: Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Việt, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm…

Cho rằng, cuộc sống hằng ngày còn xảy ra nhiều hiện tượng xâm phạm quyền, lợi ích của học sinh, cô Trần Thị Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) nhìn nhận, bản thân các em chưa hiểu biết đầy đủ về quyền của mình và cách thức bảo vệ các quyền đó. Vì vậy, giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc này được các trường thực hiện lâu nay, thông qua việc lồng ghép nội dung phổ biến quy chế trường học; nhiệm vụ, quyền hạn của học sinh phổ thông trong nhà trường để các em có thể hiểu và tuân thủ trong quá trình học tập. Tuy nhiên, theo cô Hà, việc nắm bắt kiến thức quyền con người của học sinh phổ thông còn hạn chế. Các em thiếu kỹ năng sử dụng quyền con người, pháp luật quyền con người vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, khi gặp phải những tình huống xâm phạm, học sinh không có khả năng tự bảo vệ, lên tiếng để bảo vệ mình và người khác.

Cũng theo cô Hà, hiện tài liệu tham khảo giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông còn hạn chế; đặc biệt là tài liệu hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy tích hợp quyền con người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tích hợp vào nhiều môn học

Nhấn mạnh, chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) trao đổi, những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả môn học và hoạt động giáo dục như: Năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Do đó, nội dung quyền con người, quyền trẻ em được tích hợp một cách hiệu quả vào các môn học và hoạt động giáo dục. Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông nói chung, chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nói riêng.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nội dung giáo dục quyền con người có thể xây dựng trong Kế hoạch giáo dục nhà trường với nhiều hình thức, chủ động, linh hoạt. Chẳng hạn như tổ chức giờ học riêng theo từng chủ đề hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt, hội thi… hoặc tích hợp vào các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Việc xây dựng kế hoạch triển khai tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học, mạch kiến thức; việc tích hợp nội dung giáo dục quyền con người, quyền trẻ em được thực hiện theo một trong ba mức độ: Toàn phần, bộ phận, liên hệ.

Đối với bậc trung học, TS Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, việc tích hợp và lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người phải hướng tới thực hiện các mục tiêu phẩm chất, năng lực được xác định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và chương trình môn Giáo dục công dân nói riêng.

Ngoài ra, phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện trong việc giáo dục quyền con người khi triển khai hoạt động dạy học, giáo dục. Nghĩa là, các thông điệp, hành động cần được cụ thể hóa. Nội dung về quyền con người cần được truyền tải tới học sinh một cách nhất quán, mang tính nhắc lại hoặc kế thừa lẫn nhau trong tất cả hoạt động của môn học.

“Hiện nay, nội dung về quyền con người được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân và thông qua các bài học thuộc mạch giáo dục pháp luật. Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng giáo dục quyền con người vẫn cần được tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục ở các lớp, bậc học khác nhau”, TS Đỗ Đức Quế bày tỏ.

Nội dung quyền con người được lồng ghép tích hợp vào nhiều môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, cần hệ thống hóa để giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học và dễ hiểu hơn. Muốn vậy, cần có tài liệu hướng dẫn để giáo viên có thể lồng ghép nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên để các thầy, cô giáo có thể giảng dạy nội dung này. Tiếp đến, bổ sung và hệ thống hóa thành chương trình, để quyền con người được giáo dục đầy đủ. Qua đó, học sinh có kỹ năng bảo vệ quyền của mình và của người khác. Mặt khác, cần có phương pháp thực hiện từ cách thức tổ chức giảng dạy, cơ sở vật chất, xây dựng tài liệu cho đến các điều kiện hỗ trợ khác.

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ GD&ĐT đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người cho học sinh phổ thông. Qua đó, giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Từ đó tự bảo vệ quyền của mình và của người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ